Từ Allianz Arena đến Wembley
Ngay tại thánh địa Allianz Arena một năm trước, Hùm xám đã gục ngã trước Chelsea. Đau đớn hơn, họ là đội có bàn mở tỉ số ở phút... 83. Thế nhưng, trong một ngày "lên đồng", Didier Drogba đã đập tan niềm vui sướng ngắn ngủi của người Đức. "Voi rừng" chính là người ghi bàn gỡ hòa cho Chelsea để đưa trận đấu bước vào loạt đá luân lưu, và cũng chính anh "nã phát súng" cuối cùng hạ gục Hùm xám.
Vài tháng sau đó, Chelsea đã trở thành đội đương kim vô địch đầu tiên ở Champions League bị loại ngay từ vòng bảng. Còn Bayern càng đá càng hay, cuốn phăng mọi trở ngại trên đường đến London đòi Cup.

Sân Wembley đã được chọn làm nơi diễn ra trận chung kết mùa này. Nhưng, các đại diện của Anh đều đã phải dừng bước trước vòng tứ kết. Đây cũng là kỉ lục buồn của Premier League tại đấu trường danh giá nhất châu Âu trong suốt 17 năm qua.
Và thật trớ trêu, London đêm nay sẽ trở thành nơi người Đức ăn mừng, khi Bayern và Dortmund cùng nhau tạo nên một trận chung kết toàn Đức đầu tiên trong lịch sử Champions League.
Bài học của người Đức
Trận đấu giữa Bayern và Dortmund tại Wembley đã kéo 150.000 người Đức đến London. Chắc chắn, những con phố dẫn đến Wembley hôm nay sẽ ngập tràn sắc vàng và đỏ. Tất nhiên, không thiếu những bộ trang phục truyền thống lederhosen của người Đức mà Bayern đã cách điệu lại thành một nét riêng của mình.
Đó là một cách khai thác kinh tế hiệu quả từ những trận đấu của Bayern. Man Utd, đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh, cũng được xem là rất giỏi về mặt kiếm tiền với những hợp đồng tài trợ béo bở với DHL, AON, Chervolet, các nhà mạng điện thoại ở Bulgaria và Thổ Nhĩ Kì. Thế nhưng, so với Bayern, đội chủ sân Old Trafford vẫn còn kém xa.
Điều dễ nhận thấy đầu tiên, Man Utd đang mắc nợ hàng trăm triệu bảng, còn Bayern kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, Bayern còn để CĐV nắm một phần quyền sở hữu đội bóng. Chính điều này đã giúp họ, và nhiều đội bóng Đức khác, tránh được nguy cơ bị thâu tóm bởi những ông chủ nước ngoài.
Người hâm mộ bóng đá Đức nói chung, và Bayern nói riêng, cũng nhận được sự trân trọng từ các CLB thể hiện qua việc giá vé vào sân thuộc loại thấp nhất châu Âu. Dù sở hữu một sân thi đấu tráng lệ như Allianz Arena, Bayern chỉ bán vé với giá không quá 20 euro cho một vị trí trên khán đài.
Theo giới quan sát, Bayern hiện là đội bóng có nhiều nguồn thu bậc nhất trên thế giới. Nhưng thay vì phải đem số tiền này trả nợ hay chia cổ tức cho giới chủ nước ngoài, Bayern lại tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng và con người (chuyển nhượng và đào tạo cầu thủ trẻ).

Chính nền tảng tài chính bền vững đó của Bayern đã giúp họ được xem là một thế lực đáng sợ nhất ở Đức. Minh chứng rõ ràng nhất là Bayern vừa vô địch một cách tuyệt đối Bundesliga mùa này, và họ dễ dàng vung tiền giải phóng Mario Goetze khỏi hợp đồng với kình địch Dortmund. Robert Lewandowski cũng nhiều khả năng là ngôi sao thứ hai của Dortmund theo chân Goetze sang Bayern hè này.
Ngay cả Dortmund cũng là một tấm gương để các đội bóng Anh noi theo. Dù đã lọt vào chung kết Champions League, đội bóng vùng Ruhr lại đang có chi phí tiền lương cho cầu thủ còn thấp hơn cả QPR, đội vừa bị xuống hạng ở Premier League.
Cũng nhờ chính sách bán vé giá rẻ, Dortmund luôn được CĐV đến chật kín sân cổ vũ mỗi khi thi đấu. Và ai chứng kiến trận bán kết giữa Dortmund và Real Madrid tại Westfalenstadion đều có thể thấy sức nóng trên các khán đài đã truyền lửa cho các cầu thủ của HLV Jurgen Klopp hiệu quả ra sao.
* Ảnh ghép hài hước về trận chung kết Champions League.
Chi Trần