Vết đỏ lớn trên sao Mộc. Video: NASA.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện Vết đỏ lớn (Great Red Spot), siêu bão màu đỏ thẫm khổng lồ trên sao Mộc, vận động sâu bên trong khí quyển hành tinh, International Business Times hôm qua đưa tin. Sau khi phân tích dữ liệu đầu tiên về Vết đỏ lớn của tàu thăm dò Juno, NASA có thể nghiên cứu kỹ hơn và dựng video mô phỏng bên trong siêu bão này.
Theo các nhà nghiên cứu NASA, siêu bão hình oval khổng lồ với những đám mây xoay vần ở tốc độ lớn hơn bất kỳ cơn bão nào trên Trái Đất, vươn sâu tới 300 km trong khí quyển sao Mộc.
"Tàu Juno phát hiện gốc siêu bão Great Red Spot sâu gấp 50-100 lần so với các đại dương trên Trái Đất và chân bão có nhiệt độ ấm hơn đỉnh bão. Những cơn gió gắn liền với sự chênh lệch nhiệt độ và sự ấm áp ở chân bão lý giải cho sức gió dữ dội mà chúng ta quan sát ở tầng trên cùng bầu khí quyển", Andy Ingersoll, nhà nghiên cứu trong dự án Juno, cho biết.
Vết đỏ lớn là một trong những cơn bão nổi tiếng nhất hệ Mặt Trời với bề rộng 16.000 km, gần gấp rưỡi đường kính Trái Đất. Cơn bão được quan sát từ năm 1830. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó đã tồn tại hơn 350 năm.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, kích thước của cơn bão dường như đang thu nhỏ. So sánh giữa dữ liệu mới nhất với dữ liệu từ tàu Voyager 1 và 2 chỉ ra sau 38 năm, độ rộng của cơn bão đã giảm 1/3 và chiều cao giảm 1/8.
NASA chia sẻ video đồ họa sau khi phân tích dữ liệu thu thập từ Bức xạ kế siêu tần trên tàu thăm dò Juno. "Bức xạ kế siêu tần của Juno có khả năng độc đáo là nhìn sâu bên dưới những đám mây trên sao Mộc", Michael Janssen, nhà nghiên cứu trong dự án Juno tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, chia sẻ.
Video mô phỏng tầng thượng quyển của sao Mộc và đưa người xem xuyên qua siêu bão Vết đỏ lớn được tạo ra nhờ kết hợp ảnh chụp bằng máy ảnh JunoCam và đồ họa vi tính.
Phương Hoa