Theo BBC, trên thực tế, họ là những thám tử tư đang giám sát một đối tượng ngoài 20 tuổi. Khách hàng của họ là một trong số ngày càng nhiều người thuê thám tử tư điều tra đối tượng kết hôn tại Anh.
Người châu Á tại Anh thường bỏ ra tới 73.000 USD cho đám cưới. Do đó các bậc phụ huynh, cô dâu và chú rể đều không muốn gặp bất kỳ rủi ro nào khi quyết định bạn đời tương lai. Kết quả là, nghề thám tử tư điều tra trước hôn nhân bùng nổ.
Các thám tử thường tạo ra cái bẫy ngọt ngào đầy lãng mạn hay cám dỗ tình dục để kiểm tra nhân cách của đối tượng. Tất cả nhân viên ở văn phòng thám tử Lion đều sử dụng tên giả để bí mật điều tra, đa số là cựu nhân viên cảnh sát.
"Raj Singh" thành lập công ty thám tử sau khi rời ngành cảnh sát.
"Có rất nhiều câu chuyện khủng khiếp tiền hôn nhân, họ lừa đảo và tiến tới hôn nhân nhằm mục đích xấu", ông nói. Singh ước tính khoảng 70% khách hàng của mình là người châu Á và kể từ năm 2013 đến nay, nhu cầu thuê thám tử điều tra tăng gấp đôi.
Ông và đồng nghiệp đã làm hàng trăm vụ kiểm tra lý lịch và theo dõi từ đó đến nay. Một khách hàng tên Sukhi muốn biết thông tin về anh rể tương lai, sau khi chị gái chấp nhận một cuộc hôn nhân sắp đặt. Sukhi nghe đồn anh ta có lối sống không đứng đắn và lo ngại, vì thế liền tìm đến Singh.
"Điều tôi lo nhất là tính chung thủy", Sukhi nói. "Họ nói rằng anh ta thích chơi bời mà gia đình chúng tôi rất coi trọng gia giáo. Nếu anh ta vẫn muốn chơi đùa, tôi không muốn anh ta lấy chị gái tôi chỉ để mát mặt trước cộng đồng, hoặc làm hài lòng mẹ anh ta bằng việc kiếm cô con dâu tử tế, điều mà rất nhiều anh chàng hay làm".
Sukhi trả hàng trăm bảng Anh cho việc theo dõi anh rể tương lai, trong đó có việc đặt bẫy tình.
"Có nhiều loại bẫy tình, từ không thân mật tới thân mật, tùy thuộc vào yêu cầu khách hàng", Singh nói. "Để kiểm tra nhân cách của họ, chúng tôi đặt cám dỗ trước mặt và quan sát cách họ xử sự".
Trong quá trình theo dõi, thám tử tư đi theo và duy trì khoảng cách an toàn với đối tượng ở quán bar Midlands. Họ chia thành ba tổ. Sau khi chụp ảnh selfie, hai người phụ nữ tiếp cận và bắt chuyện với đối tượng, uống rượu cùng nhau, trong khi những thám tử khác theo dõi và liên lạc qua ứng dụng nhắn tin điện thoại.
Đối tượng tỏ ra có hứng thú với "Yaz" - một trong hai nữ thám tử. Trong vòng 30 phút, họ trao đổi số điện thoại. Đó là một loại bẫy tình. Trong suốt buổi nói chuyện, Yaz cho biết đối tượng không hề đề cập đến chuyện sắp lấy vợ qua hôn nhân mai mối.
Nhiều ngày sau, đối tượng liên lạc với Yaz và họ bắt đầu nhắn tin tán tỉnh nhau. Anh ta gửi ảnh riêng tư cho cô. Mọi thông tin được chuyển cho Sukhi.
"Thật khó để giải thích với chị gái lý do tôi làm chuyện này", Sukhi nói, nhưng cô buộc phải làm vì người thân. Chị gái Sukhi hủy đám cưới, gia đình cô lục đục. Hai chị em đang cố xây dựng lại mối quan hệ.
Laila mới ngoài 30 tuổi. Cô là một trong số rất nhiều người muốn kiểm tra đối tượng trước khi đồng ý hẹn hò.
"Nếu tôi muốn ổn định cuộc sống với ai đó, tôi muốn biết 100% về họ", Laila nói. "Anh ta bảo rằng mình là doanh nhân, sở hữu vài căn nhà vì thế tài chính có vẻ ổn định; nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chỉ ngồi và nghĩ rằng, 'Mình có thể dựa vào người này hết đời' chỉ theo lời anh ta nói".
"Tôi không muốn bị coi là con ngốc".
Công việc điều tra tiền hôn nhân khởi nguồn từ Ấn Độ. Ngày nay, có nhiều công ty Anh chuyên làm việc trong lĩnh vực này.
Saranjit Kandola là giám đốc điều hành của askbhabi.co.uk, một công ty mai mối cho người theo đạo Sikh ở Anh.
Kiểm tra lý lịch là khâu bắt buộc trong việc lựa chọn đối tượng mai mối của công ty Kandola. Cô cho biết, đây là điều mà khách hàng muốn biết, trước khi quyết định người bạn đời tương lai.
"Họ đã từng gặp rắc rối với đối tác trươc đây và muốn loại bỏ những vấn đề như thế ngay lập tức", Kandola nói. "Họ muốn biết mọi thứ về người mà họ sẽ gặp".
Quá trình theo dõi và đặt bẫy tình chẳng có gì lãng mạn nhưng đối với nhiều người sắp kết hôn, nó quan trọng chẳng kém việc tán tỉnh hay tặng nhẫn đính hôn.
Hồng Hạnh