Đầu năm nay, Fangzi, 20 tuổi, lên nền tảng việc làm trực tuyến Boss Zhipin tìm nơi thực tập. Cô chọn vị trí trợ lý giám đốc bán hàng một công ty. Ban đầu, mọi thứ suôn sẻ, cô được mời phỏng vấn chiều cùng ngày và bắt đầu công việc vào ngày hôm sau.
Nhưng Fangzi dần thấy bất an. Trong cuộc phỏng vấn, người quản lý hỏi cô có người yêu chưa. Khi Fangzi thắc mắc, người này thôi hỏi tiếp. Nhưng khi cô bắt đầu công việc, anh ta gửi cho cô loạt tin nhắn gợi ý.
"Anh ta bảo tôi nên nhiệt tình hơn và hãy ôm anh ta khi ở văn phòng. Thậm chí, anh ấy hỏi tôi còn trinh tiết không và hỏi sở thích tình dục của tôi", cô kể.
Những ngày sau đó còn căng thẳng hơn. Trong bữa tối ở công ty, người quản lý chuốc rượu sau đó cô đòi đưa cô về nhà. Fangzi từ chối. Sáng hôm sau, cô bị dọa nếu không ngủ với anh ta, sẽ không được hướng dẫn, bị trừ lương của cô do "hành vi không thể chấp nhận được".
Cô gái nghỉ việc chiều hôm đó và chia sẻ trải nghiệm của mình lên mạng xã hội. Trong thời gian này, cô tham gia phong trào nêu tên và làm xấu mặt những ông chủ quấy rối tình dục, gây áp lực khiến những website việc làm hàng đầu loại họ khỏi danh sách.
Quấy rối và lạm dụng tình dục tràn lan ở nơi làm việc của Trung Quốc. Trong nhiều ngành, văn hóa phân biệt giới tính và lạm dụng vẫn còn ăn sâu, bất chấp việc nước này đã ban hành luật chống quấy rối.
Tong Lao, người sáng lập Girls, Don't Be Scared, một trang mạng xã hội tập trung vào vấn đề an toàn, quyền giáo dục giới tính cho phụ nữ với hơn 5 triệu người theo dõi ở Trung Quốc cho biết, dù mại dâm là hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc, tình dục vẫn được dùng như một loại giao dịch, thậm chí được coi là một loại tài nguyên.
Những nền tảng việc làm như Boss Zhipin cũng trở thành cầu nối cho hành vi lạm dụng này. Nhiều công ty sử dụng các nền tảng để tìm người, quấy rối tình dục lao động nữ, thuê phụ nữ trẻ ngủ với quản lý và khách hàng hoặc thuê người mẫu, vũ công nhưng thực chất làm việc liên quan đến tình dục.
Trong nhiều trường hợp, các nhà tuyển dụng sử dụng cách nói bóng gió để các ứng viên nữ biết rõ bản chất công việc mà họ đang tuyển người.
Ling Dang, ở Phúc Kiến, người dùng Boss Zhipin cho biết cô từng được nhà tuyển dụng liên tục hỏi: "Cô có ăn kem không?". Ban đầu Ling không hiểu nhưng sau khi tìm hiểu trên mạng, cô phát hiện "ăn kem" là từ mang hàm ý tình dục. Các nhà tuyển dụng cũng nêu những gợi ý như ứng viên phải mang tất lưới màu đen, hỏi ứng viên có "hướng ngoại" không hoặc nói rằng họ sẵn sàng tự đào tạo và phát triển ứng viên.
"Nhiều phụ nữ kể về các bài đăng tuyển người mẫu trên các nền tảng tuyển dụng có vẻ như đang tìm người mẫu, nhưng thực tế là sau khi phỏng vấn, ứng viên mới biết họ đã ứng tuyển cho công việc mại dâm", Ling Tong kể.
Tong cũng đề cập đến huachang, một kiểu hộp đêm tuyển dụng vũ công nữ. Thực tế, những nơi như vậy không khác gì nhà thổ. Khách đến đây có thể trả tiền để các vũ công bồi rượu, trò chuyện, thậm chí là đi khách sạn khi đêm muộn.
Ban đầu, những người ứng tuyển vào huachang sẽ được đào tạo khiêu vũ và catwalk. Khi bắt đầu làm việc, quản lý sẽ gây áp lực, bắt ép họ phải bán dâm để kiếm tiền.
Xiao Yu được một nhà tuyển dụng ở Hồ Nam tuyển vào làm việc. Bài đăng tuyển rất bình thường. Nhưng khi người tuyển dụng kết bạn với cô trên WeChat, người này nói với Xiao cô có thể tìm được một người bạn trai giàu có khi làm việc ở đó.
Người tuyển dụng đã gây áp lực, buộc Xiao phải đến quán bar làm việc. Xiao cảm thấy công việc có vẻ nguy hiểm nên đã từ chối.
Sau đó, cô kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội, một số người dùng khác, cũng được nhà tuyển dụng này tiếp cận xác nhận câu lạc bộ mà Xiao vừa đề cập là một huachang.
Phụ nữ Trung Quốc có ít công cụ để tự bảo vệ mình trong những tình huống này. Báo cáo sự cố thông qua các kênh nội bộ của các công ty hoặc hệ thống luật pháp Trung Quốc thường không mang lại kết quả.
Aaron Halegua, một luật sư chuyên về luật lao động của Trung Quốc, cho biết những luật này yêu cầu người sử dụng lao động phải ngăn chặn và chấm dứt quấy rối tình dục, nhưng luật lại không quy định người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không thực hiện.
Nhiều năm gần đây, Trung Quốc ghi nhận hàng loạt vụ án lạm dụng tình dục, nạn nhân vẫn chưa tìm được công lý bảo vệ bản thân.
Zhou Xiaoxuan, một nạn nhân bị MC nổi tiếng Zhu Jun quấy rối tình dục, đã thua kiện vì tòa lấy lý do là "thiếu bằng chứng".
Năm 2021, một nhân viên của Alibaba tố cáo sếp tấn công tình dục trong chuyến công tác. Kẻ bị tố cáo bị công ty sa thải sau khi cảnh sát bắt giữ vì hành vi cưỡng bức. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Alibaba cũng sa thải người tố cáo với lý do lan truyền thông tin sai lệch và làm tổn hại danh tiếng công ty.
Vì vậy, nhiều phụ nữ Trung Quốc đang sử dụng cách tố kẻ quấy rối trực tiếp qua mạng xã hội. Dù không thể giành được công lý, ít nhất họ có thể cảnh báo những phụ nữ khác về các công ty săn mồi và gây áp lực khiến các nền tảng như Boss Zhipin phải hành động.
Tuy nhiên, chiến dịch đưa những kẻ quấy rối và nơi làm việc độc hại ra khỏi nền tảng việc làm là một phong trào cơ sở. Chiến dịch chịu sự giám sát chặt chẽ của các nền tảng xã hội Trung Quốc nên gần như không thể thực hiện.
Gần đây, nhiều nhóm nữ quyền trên mạng xã hội bị khóa. Các bài đăng có nội dung rõ ràng về nữ quyền thường bị xóa vì "kích động phản đối giới tính". Và những hashtag bắt đầu bằng các cụm từ được cho là không phù hợp hoặc nhạy cảm, kể cả từ "quấy rối tình dục", có thể bị xóa.
Vì vậy, các cá nhân chọn các hashtag khác như "công việc kỳ lạ", "nhân sự kỳ lạ". Họ cũng báo cáo trực tiếp cho Boss Zhipin và yêu cầu nền tảng xóa tài khoản có dấu hiệu quấy rối.
Chiến dịch dường như đang tạo ra tác động thực sự. Vào tháng 8, một người dùng Weibo tố một nhà tuyển dụng ở Quảng Châu đang sử dụng Boss Zhipin để thuê các phụ nữ trẻ làm dịch vụ mại dâm. Bài đăng lan truyền trên Weibo, nhận được hơn 10 triệu lượt xem và đưa Boss trở thành tâm điểm chú ý trên toàn quốc.
Vài tuần sau, Boss Zhipin thông báo đưa vào danh sách đen hơn 200.000 nhà tuyển dụng bị cáo buộc "quấy rối tình dục, xuất bản các từ, hình ảnh khiêu dâm hoặc các hành vi quấy rối tình dục khác", cấm các nhà tuyển dụng này tham gia nền tảng.
Ling đã báo cáo người tuyển dụng đã hỏi cô về việc "ăn kem" và công ty đã khóa tài khoản của anh này lập tức. Xiao cũng đã thành công trong việc đưa nhà tuyển dụng hộp đêm huachang vào danh sách đen.
"Bản thân cuộc thảo luận công khai có thể thúc đẩy giải quyết vụ việc. Trong thời đại internet, tiếng nói của bất kỳ ai cũng có thể được lắng nghe và khuếch đại", Tong nói.
Nhật Minh (Theo Sixthtone)