"Giữa tháng 3, con gái tôi nhận được một số tin nhắn tán tỉnh từ những người đàn ông trên Instagram", bà Gross, một giáo viên sống tại Allentown, tiểu bang Pennsylvania, nói. "Tôi rất bất ngờ và nhận ra rằng cần phải cảnh báo con bé cẩn thận hơn trên mạng".
Kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các báo cáo về tình trạng dụ dỗ trẻ vị thành niên trên môi trường mạng ngày càng tăng. Vào tháng 3, Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị bóc lột của Mỹ cho biết đã nhận được hai triệu báo cáo liên quan đến việc dụ dỗ trẻ em trực tuyến, tăng từ 983.000 một năm trước đó. Vào tháng 4, tổ chức phi lợi nhuận này đã nhận được 4,1 triệu báo cáo, phần lớn là các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.
Người phát ngôn của Facebook, công ty sở hữu Instagram, cho biết đã tăng cường kiểm soát các nội dung liên quan đến trẻ em trong đại dịch, đồng thời khẳng định "xóa nội dung xấu nhắm mục tiêu trẻ em là ưu tiên hàng đầu".
Tuy vậy, ý kiến của Facebook không làm Gross hài lòng. Bà cho biết đã báo cáo sự cố về trường hợp của con gái mình lên Instagram nhưng không thành công và buộc phải nhờ báo chí can thiệp. Đáp lại, mạng xã hội này cho biết họ không nhận được hồ sơ, nhưng đã xóa các tài khoản vi phạm chính sách sau khi vấn đề được WSJ phản ánh.
Theo Steven J. Grocki của Bộ Tư pháp Mỹ, sự gia tăng việc lạm dụng trẻ em trực tuyến đang xảy ra nhiều hơn trong đại dịch, do người dân buộc phải ở nhà nhiều hơn. Việc các trường học đóng cửa, phụ huynh vẫn đi làm khiến không ít trẻ em tìm đến môi trường online để học tập và giải trí.
Trẻ em cũng là mục tiêu của kẻ xấu trên Dark Web. "Những kẻ 'săn' trẻ em nói rằng, đại dịch đang cho chúng cơ hội trong việc tiếp cận những nạn nhân tiềm năng, trong đó có trẻ em", John Shehan, Phó chủ tịch Trung tâm quốc gia về nạn mất tích và bóc lột trẻ em, nói. "Chúng đang có những buổi thảo luận bí mật nhằm tận dụng cơ hội này để lôi kéo trẻ em sản xuất các nội dung khiêu dâm".
Đại diện Bark Technologies, một dịch vụ giám sát hoạt động về trẻ em trên Internet, cho biết số lượng kẻ nhắm mục tiêu trẻ em đã tăng 23% trong khoảng tháng 3 - tháng 5 so với trước đó. "Điều này thực sự bất thường. Trong một khoảng thời gian ngắn, việc tăng vài điểm phần trăm đã là nhiều. Con số hơn 23% là rất lớn", Titania Jordan, Giám đốc tiếp thị của Bark, nhận xét.
L1ght, công ty công nghệ chuyên sử dụng AI để theo dõi các hành vi trên mạng có trụ sở tại San Francisco, cho biết hệ thống của họ nhận thấy sự gia tăng đáng kể các cụm từ độc hại trong những cuộc nói chuyện trên hội nhóm Discord, một phần mềm trò chuyện phổ biến giữa những người chơi game với nhau. Tuy vậy, đại diện của Discord phủ nhận vấn đề, đồng thời khẳng định sẽ loại bỏ những tài khoản có hành vi quấy rối hoặc dùng ngôn từ thù hận trên nền tảng của mình.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, phụ huynh nên kiểm tra các nền tảng xã hội mà con em họ sử dụng nhằm xác định nguy cơ. Bên cạnh đó, họ cũng cần thảo luận về mối nguy tiềm tàng khi trò chuyện với người lạ trực tuyến và đưa ra lời khuyên đúng đắn.
Jane Hertzog, Giám đốc Trung tâm phòng chống bắt nạt quốc gia Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, cho rằng điều đáng sợ nhất là khi nạn nhân bị xâm hại hoặc quấy rối nhưng chọn giải pháp im lặng thay vì nói ra cho người khác biết. Ông khuyên các bậc phụ huynh nên trò chuyện nhiều hơn với con em mình thay vì để chúng mải mê với những thứ độc hại trên Internet.
Còn theo Michael DuBois, trưởng bộ phận điều tra tội phạm tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khuyến cáo phụ huynh không nên tự giải quyết khi con em mình bị kẻ xấu dụ dỗ. "Các phụ huynh nên liên hệ ngay với cơ quan chức năng nếu phát hiện các trường hợp lạm dụng. Nhiều người sẽ cho rằng điều đó không giải quyết được vấn đề bởi mọi thứ xảy ra trực tuyến, nhưng suy nghĩ này không chính xác", DuBois nói.
Bảo Lâm (theo WSJ)