Những ngày đầu tháng 5, khu vực vịnh Nha Trang tờ mờ sáng đã có hơn chục ghe chạy ra biển để bẫy mực. Gần 4h, ngư dân Nguyễn Văn Hảo gỡ dây neo, khởi động ghe công suất 24CV. Chừng 30 phút, ghe đến vị trí định trước, cách bờ chừng ba hải lý. Kinh nghiệm hơn 15 năm đi biển, ông Hảo chỉ cần nhìn con nước và thời tiết biết nơi nào nhiều mực tập trung.
Tới nơi, ông Hảo chuẩn bị hơn 100 chiếc bẫy dạng hình hộp chữ nhật rộng 0,6 m, dài 1,2 m, khung làm bằng tre. Quanh lồng là lớp lưới mỏng, những sợi nylon màu đen phủ hai mặt lồng tạo nên vùng tối dụ mực. Ở trong lồng, ông gắn một đùm trứng mực hoặc thạch rau câu làm mồi. Mỗi chiếc bẫy mực được ông mua với khoảng 150.000 đồng.
"Loài mực thấy trứng ở trong lồng sẽ tìm cách chui vào và dính bẫy", ông Hảo nói và lý giải việc dùng thạch rau câu màu trắng giả làm mồi rất hiệu quả, giúp tiết kiệm được lượng mồi trứng mực tự nhiên.
Khi ghe di chuyển, ông Hảo thoăn thoắt thả từng bẫy xuống biển sâu 4-5 m. Để cố định, phần đáy bẫy được buộc hòn đá nặng 10 kg, đỉnh lồng nối sợi dây thừng dài 15 m, buộc vào phao nổi trên mặt nước. Nơi nào nhận định có nhiều mực, ông thả bẫy tần suất dày hơn.
Tất cả lồng được ngư dân thả xuống biển trong hai giờ. Tránh bị nhầm lẫn với bẫy của người khác, ông Hảo đánh ký hiệu riêng biệt trên phao. Sau đó, ông tìm vị trí neo đậu thuyền, chờ đến lúc triều dâng (buổi chiều) bắt đầu thu hoạch.
Vẻ lo lắng của ông Hảo hiện lên khi tiếng bành bạch của tàu giã cào đánh bắt gần đó. Theo ông, nghề bẫy mực sợ nhất loại tàu này vì đánh bắt sử dụng loại lưới mắt dày, nhiều lớp và chì để bắt hải sản từ đáy đến mặt nước. Cá lớn đến bé, trong đó có cả mực đều không thoát. Nhiều tàu còn kéo mất lồng của ngư dân.
Đến giờ thu hoạch, ông Hảo dùng cây sào dài khoảng 2 m gắn móc phía đầu, mỗi lần đến vị trí bẫy, ông dùng sào kéo sợi dây buộc phao lên. Có lúc ông kéo liên tục 5, 6 bẫy không thu được con mực nào, nhưng có khi kéo lên bên trong có mực nang nặng gần kg. "Nghề này vô chừng lắm, có hôm thu nhập vài triệu, nhưng cũng có khi lỗ cả tiền dầu", ông nói.
Sau 4 giờ kéo lồng, ông Hảo thu chừng 7 kg mực, trong đó hai kg mực lá và 5 kg mực nang. "Chuyến đi lần này khá thành công", ông nói và cho hay trung bình mỗi ngày đi biển kiếm được 3-4 kg mực, trừ hết chi phí, lãi 700.000-800.000 đồng. Cuối chiều, các ghe bẫy mực cập bờ để kịp bán cho vựa thu mua.
Theo các ngư dân, trừ những tháng mưa gió, mùa mực ở vịnh kéo dài suốt năm, nhưng cao điểm khai thác vào mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Những ghe đánh bắt gần bờ chủ yếu thu được mực nang và mực lá. Thương lái mua mực nang giá 170.000 đồng mỗi kg, mực lá giá gần gấp đôi, 320.000 đồng một kg.
Mực lá tươi được chế biến thành nhiều món ngon như: nướng sa tế, hấp mỡ hành, xào chua ngọt, còn với mực nang thường được luộc chấm với mắm gừng.
Vịnh Nha Trang nằm phía đông TP Nha Trang, rộng gần 25.000 ha, lớn thứ hai ở Khánh Hòa sau vịnh Vân Phong. Ngư dân ở đây khai thác hải sản quanh năm.
Bùi Toàn