Chưa chắc đã thành công
Hàng loạt danh hiệu trong hơn ba năm của nhiệm kỳ đầu đã biến Mourinho thành một huyền thoại bất tử trong lòng các CĐV Chelsea. Nếu trở lại đây và thành công, vị thế của Mourinho cũng chẳng được tôn lên cao hơn. Nhưng nếu trở lại và thất bại, Mourinho có thể tự hủy hoại chính danh tiếng mà ông đã dày công tạo dựng. Ngay cả khi Mourinho có cùng Chelsea vô địch Champions League đi nữa, chiến công đó cũng sẽ không được đánh giá quá cao ở đội bóng từng giải cơn khát danh hiệu lớn này với lần đầu tiên lên ngôi cùng HLV Roberto Di Matteo năm 2012.
Các đệ tử ruột đã ra đi hoặc không còn trên đỉnh cao
Didier Drogba giờ đang khoác áo Galatasaray. Makelele đã lùi xa vào dĩ vãng, Nếu trở lại và được giữ lại, Essien, như phong độ thể hiện khi đá cho Real theo hợp đồng mượn cầu thủ mùa này, cũng không còn là Essien mạnh mẽ trong quá khứ. John Terry giờ đã mất cả suất đá chính lẫn tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ. Lampard thì chỉ sắp hết hợp đồng và ngay cả khi được gia hạn theo yêu cầu của Mourinho, ở tuổi 34, anh này cũng khó có thể bùng nổ như trong nhiệm kỳ đầu của ông ở Chelsea.
Thói quen thiếu kiên nhẫn với HLV của Roman Abramovich
70 triệu bảng, tuy chỉ là giọt nước so với biển tiền mà tỷ phú Nga đổ vào Chelsea, vẫn có thể xem như một con số mang tính biểu tượng ở sân Stamford Bridge. Đó là tổng số tiền mà Chelsea đã chi riêng cho việc đền bù hợp đồng khi sa thải các HLV trong kỷ nguyên Abramovich sở hữu CLB (từ 2003), nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác cùng trong thời gian.
Chính Mourinho từng nhận một phần khoản tiền đó (18 triệu bảng) và là nạn nhân trong cách làm bóng đá kiểu quân phiệt của ông chủ người Nga khi bị sa thải hồi đầu mùa 2007-2008, dù đã mang về cho CLB tới năm danh hiệu trong ba năm trước đó. Sau Mourinho, đã có tám HLV khác nhau đến rồi đi và trừ Hiddink cùng Benitez hiện tại ra đi vì không muốn hoặc không được gia hạn hợp đồng, sáu người còn lại đều có chung kết cục - bị sa thải.
Cơ hội lớn từ sự sụp đổ của đế chế Barca
Bóng đá luôn chứng kiến những chu kỳ thành công. Một đội bóng có thể thống trị ở một thời gian nhất định, nhưng sớm muộn gì, đội bóng đó cũng sẽ sa sút hoặc bị bắt kịp. Quy luật đó đang ứng vào Barca mùa này, mà bằng chứng rõ nhất là những thất bại của đội bóng xứ Catalan dưới tay chính Real ở Siêu Cup Tây Ban Nha, Cup Nhà Vua, các trận kinh điển ở La Liga và thảm bại 0-7 chung cuộc dưới tay Bayern Munich ở bán kết Champions League.
Nếu ra đi cuối mùa này, Mourinho sẽ chỉ được nhớ tới như là một HLV giỏi, nhưng chưa đến tầm vĩ đại của Real Madrid. Nếu ở lại thêm một mùa nữa, cố gắng đoạt thêm một danh hiệu La Liga và giúp CLB hoàn thành giấc mộng lớn Decima - mười lần vô địch Cup C1 / Champions League, Mourinho chắc chắn sẽ được dựng tượng cả ở sân Bernabeu lẫn trong lòng người hâm mộ Real.
Chân lý 'không nên tắm hai lần trên cùng một dòng sông'
Lịch sử bóng đá Anh đã ghi nhận những trường hợp các HLV trở lại đội bóng nơi họ từng dẫn dắt, gặt hái thành công chỉ để gánh lấy thất bại nặng nề, từ những nhà cầm quân ít tên tuổi như Steve Coppell (Crystal Palace) hay lừng danh cỡ Kenny Dalglish (Liverpool). Câu chuyện của Dalglish là bằng chứng mới nhất khi HLV người Scotland này bị Liverpool sa thải không thương tiếc chỉ sau hơn một năm nhận lời trở lại làm HLV trưởng, vị trí mà ông từng thành công giai đoạn 1985-1991.
Trở lại Chelsea, Mourinho sẽ khó có cửa làm HLV Man Utd
Từ lâu, Mourinho được xem như ứng viên lý tưởng dẫn dắt MU một khi HLV Alex Ferguson giải nghệ trong một hai năm tới. Nhưng một Mourinho trở lại dẫn dắt Chelsea, ông sẽ khó đến sân Old Trafford, tới tư cách nào khác ngoài khách mời.
Nếu thành công ở Chelsea trong nhiệm kỳ hai, tên tuổi của ông sẽ gắn chặt với đội bóng thành London, vốn là kình địch lớn của MU, và các fan "Quỷ Đỏ" sẽ khó chấp nhận một cái tên như thế dẫn dắt đội. Còn nếu thất bại, Mourinho sẽ không còn được xem là một HLV đủ tài năng để có thể ngồi vào chiếc ghế nóng ở Old Trafford, thay thế tượng đài Ferguson.
Truyền thông Anh không thân thiện như Mourinho vẫn tưởng
Khi úp mở về ý định rời Real sau thất bại ở bán kết Champions League, Mourinho có nói rằng ở Anh, ông được yêu mến, cả từ phía người hâm mộ lẫn truyền thông, chứ không phải bị truyền thông ghét như ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, có vẻ chính Mourinho đã quên không ít lần ông hục hặc với báo chí Anh trong nhiệm kỳ đầu dẫn dắt.
Bản thân truyền thông Anh cũng đang chờ đợi ngày trở lại, nhưng không toàn toàn vì họ chờ đợi làm bạn, ca tụng ông. Một nền truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trên các trang mạng xã hội rất thích bới móc những chi tiết, lời nói gây sốc, gây tranh cãi và thường muốn khai thác những câu chuyện thất bại hơn là thành công. Thời gian, có lẽ chỉ tính bằng vài tháng, sẽ cho thấy liệu Mourinho có còn thích những gì về ông trên mặt báo khi trở lại Chelsea hay không.
* Ảnh ghép hài hước về sự kiện Mourinho sắp chia tay Real.
Phương Minh