Một chuyên gia giáo dục cho rằng giáo dục có thể là hộ chiếu cho tương lai, nhưng dường như các trường học đang không truyền đạt được một số kỹ năng sống quan trọng nhất cho học sinh.
Theo Weforum, trong cuốn sách The Global Achievement Gap, Tiến sĩ Tony Wagner, đồng giám đốc nhóm Change Leadership Group của Đại học Harvard đã xác định bảy năng lực chính mà mỗi đứa trẻ cần có để tồn tại trong môi trường làm việc của tương lai.
1. Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề
Các công ty phải liên tục cải tiến sản phẩm, quy trình và dịch vụ để cạnh tranh. Và để làm được điều này, họ cần những người lao động có kỹ năng tư duy phản biết tốt, khả năng đặt ra những câu hỏi đúng để đi đến tận cùng vấn đề.
2. Khả năng hợp tác và gây ảnh hưởng
Bản chất của giới kinh doanh là kết nối. Vì vậy, kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm và khả năng gây ảnh hưởng ngày càng trở nên quan trọng. Theo tiến sĩ Wagner, chìa khóa để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả liên quan rất nhiều đến "kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo và một khuôn khổ đạo đức rõ ràng".
3. Tính linh hoạt và khả năng thích ứng
Khả năng thích ứng và thu nhận những kỹ năng mới một cách nhanh chóng là yếu tố quan trọng để thành công. Người lao động phải có khả năng sử dụng nhiều công cụ để giải quyết vấn đề. Hay nói cách khác, họ phải có khả năng học hỏi.
4. Sáng kiến và tinh thần kinh doanh
Mọi người thường có xu hướng sợ rủi ro. Nhưng thực tế, thử 10 việc và thành công tám việc sẽ tốt hơn thử năm việc và chẳng thành công việc nào.
5. Kỹ năng giao tiếp miệng và khả năng viết
Tư duy mơ hồ và không có khả năng diễn đạt suy nghĩ là những phàn nàn chung từ các lãnh đạo doanh nghiệp khi ông Wagner tìm kiếm thông tin cho cuốn sách của mình. Bên cạnh đó, người trẻ thường sử dụng ngữ pháp và phát âm không chuẩn mực. "Nếu bạn có những ý tưởng tuyệt vời nhưng không thể diễn đạt được chúng, bạn sẽ mất cơ hội", Wagner nói.
6. Kỹ năng tiếp cận và phân tích thông tin
Nhiều người lao động phải giải quyết một lượng lớn thông tin mỗi ngày. Khả năng chọn lọc và rút ra những thứ cần thiết là một thách thức, đặc biệt khi những thông tin đó có thể thay đổi nhanh chóng.
7. Sự tò mò và trí tưởng tượng
Tò mò và tưởng tượng có thể dẫn đến sự đổi mới. Đó là những yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề. Ông Wagner cho rằng chúng ta sinh ra đã tò mò, sáng tạo và giàu trí tưởng tượng. "Một đứa trẻ 4 tuổi bình thường sẽ hỏi hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Nhưng khi 10 tuổi, đứa trẻ đó có xu hướng lo việc tìm ra câu trả lời đúng ở lớp hơn là đặt ra những cây hỏi hay. Việc phụ huynh và giáo viên cần làm là giữ cho sự tò mò và trí tưởng tượng của trẻ vẫn còn ở đó", ông Wagner nói.