Hầu hết trẻ em không có khái niệm rõ ràng về tiền bạc. Tuy nhiên, thái độ, hành vi và kiến thức bao quát của trẻ sẽ được hình thành nhờ việc quan sát bố mẹ hàng ngày. Trong cuốn sách "Biến con thành thiên tài về tiền bạc (ngay cả khi bạn không phải là thiên tài", chuyên gia tài chính cá nhân Beth Kobliner dành nhiều lời khuyên cho phụ huynh có con từ 3 đến 23 tuổi.
"Khi nói đến tiền, tôi nghĩ có một số điều mà trẻ em chưa sẵn sàng để tiếp thu và không cần phải biết", cô nói.
Business Insider trích dẫn bảy điều bạn không nên nói với trẻ nhỏ theo danh sách của Kobliner.
1. Bạn kiếm được bao nhiêu
Kobliner đề nghị không chia sẻ chi tiết về mức lương của bạn với trẻ, dù là 50.000 USD hay 500.000 USD một năm. Tuy nhiên, bạn nên cảm thấy thoải mái khi con hỏi và có thể nói một cách chung chung.
"Chẳng hạn, bạn có thể trả lời con rằng thu nhập trung bình ở Mỹ đối với một gia đình là khoảng 65.000 USD, sau đó cho biết bố mẹ đang ở mức nào so với con số cụ thể đó", Kobliner viết.
Như vậy, trẻ sẽ hiểu được tình hình, đồng thời nhận thức được rằng không phải gia đình nào cũng kiếm được khoản tiền như nhau.
2. Bố hay mẹ kiếm được nhiều tiền hơn
Trong gia đình cả bố và mẹ đều đi làm, Kobliner cho rằng bạn không nên chỉ ra ai là trụ cột kinh tế.
"Gán số tiền cụ thể cho công việc của bố và mẹ có thể truyền thông điệp cho trẻ nhỏ rằng đóng góp của người này quan trọng hơn người còn lại", cô viết. Tất nhiên, khi trẻ lớn dần lên, chúng có thể biết rằng bác sĩ hoặc luật sư thường kiếm được nhiều tiền hơn giáo viên.
Đối với gia đình có một phụ huynh ở nhà chăm sóc con, điều quan trọng là cần giúp trẻ biết rằng nội trợ cũng là công việc toàn thời gian, dù không có thu nhập.
"Bạn nên thống nhất trong cách thể hiện để trẻ hiểu rằng bố mẹ là một đội, làm việc cùng nhau và ai kiếm nhiều tiền hơn không quan trọng", theo Kobliner.
3. Bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu cho thời gian nghỉ hưu
Tài khoản hưu trí rất phức tạp, ngay cả đối với một số người lớn. Do vậy, trẻ nhỏ có thể không hiểu được tại sao bạn lại tiết kiệm một khoản tiền mà không thể dùng để chi tiêu.
Kobliner chia sẻ về trải nghiệm cá nhân: "Khi tôi khoảng 10 tuổi, cô bạn hàng xóm Susan nói với tôi rằng bố mẹ bạn ấy đã tiết kiệm được một triệu đôla trong tài khoản hưu trí của họ. Theo bản năng, tôi lập tức nghĩ bạn ấy là một kẻ dối trá. Tôi chưa từng quen biết ai có một triệu đôla. Dù đó có phải sự thật hay không, việc tôi nắm được thông tin này không có gì hay ho cả".
4. Ai nợ tiền của bạn
Tiền bạc thường là gốc rễ của mọi rắc rối trong gia đình, bạn không nên để trẻ dính líu tới việc này.
"Chắc hẳn bạn đang điên tiết khi người anh mà bạn rất yêu mến lại vô trách nhiệm tới mức vô tư đi du lịch ở đảo Aruba khi còn nợ bạn 1.000 USD chưa trả. Nhưng nếu bạn đề cập đến việc này, trẻ sẽ có thái độ phòng thủ với cậu mình, và thậm chí nhớ mãi về chuyện đó ngay cả khi anh trai bạn đã trả tiền, bởi đó là chi tiết bạn sẽ ít khi cập nhật", chuyên gia tài chính viết.
Tuy nhiên, việc dạy con cẩn trọng khi vay tiền từ người thân trong gia đình cũng là ý tưởng tốt, chỉ cần không lấy ví dụ quá gần.
5. Bạn trả bao nhiêu tiền cho người trông trẻ
Nếu đã thuê một người giữ trẻ, bạn hãy cân nhắc về việc giữ bí mật các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên.
Đây là công việc cực kỳ ý nghĩa, do đó khi gán mức lương vào nó, con bạn có thể sẽ không coi trọng người chăm sóc mình.
6. Bạn chi bao nhiêu tiền cho một món quà
Trẻ em thường không nghĩ về chi phí của một món quà mà chỉ háo hức về việc cho - nhận. Khi nói giá của món quà, dù cao hay thấp, bạn có thể khiến con nhận thức sai lệch.
"Điều đầu tiên và quan trọng nhất là giá trị của một món quà không phải lúc nào cũng được phản ánh qua số tiền người tặng bỏ ra. Những món quà tốt nhất thường miễn phí, chẳng hạn được dành thời gian làm pizza với bố", Kobliner viết. Khi con lớn lên, bạn sẽ tìm thấy cơ hội để giải thích nhiều hơn.
Kobliner lấy ví dụ về một cậu bé 10 tuổi, cháu của bạn cô, đã khóc nức nở trong bữa tiệc sinh nhật khi nhận ra mình có ít quà hơn năm ngoái. Mẹ cậu bé phải giải thích rằng giờ con đã lớn nên những thứ con muốn cũng tốn nhiều tiền hơn. Do đó, một số họ hàng đã góp tiền mua chung chiếc iPad để tặng con thay vì mua những món quà nhỏ riêng lẻ.
7. Nỗi lo lắng về khoản tiền cho con học đại học
Con trúng tuyển đại học luôn là niềm tự hào của bất kỳ bậc phụ huynh nào, nhưng nỗi lo tài chính đi kèm với nó cũng không hề nhỏ.
Trước khi con vào trung học, bạn không nên để lộ nỗi lo qua những cuộc trò chuyện với con. Thông tin tiêu cực đó có thể khiến trẻ cảm thấy vào đại học là gánh nặng và chúng không muốn bố mẹ phải khổ sở.
Tuy nhiên, nếu vào đại học là mục tiêu mà bạn thực sự muốn con đạt được, bạn có thể khuyến khích trẻ bằng cách nói rằng cần tiết kiệm để lo cho những việc quan trọng như vậy.