Chiều đầu năm mới, trên đỉnh Ngọc Linh sương mù dày đặc, mua phùn, cây cối ướt át, nhiệt độ 15-16 độ C. Vườn sâm rộng hàng trăm hecta ở độ cao gần 2.000 m, được bao rào quanh bằng B40 cao hơn 2 m, cách cổng có một chốt bảo vệ. Khi có người lạ xuất hiện, bảo vệ đánh kẻng cảnh báo.
Vào sâu bên trong, căn nhà sàn bằng gỗ là nơi ở của 27 công nhân. Sau giờ nghỉ trưa, các công nhân chuẩn mang áo quần lao động, hướng về vườn sâm cách trại khoảng 300 m. Họ chia ra từng nhóm, người phát quang bụi rậm, người cào rác chuẩn bị mặt bằng trồng cây sâm mới. Một số đàn ông được giao thăm bẫy.
Anh A Văn, 30 tuổi, ở xã Măng Ri cùng bạn lần theo lối cỏ rậm rạp dọc bờ rào B40, kiểm tra từng bẫy chông xem có dấu vết kẻ trộm. Vừa đi họ vừa sửa và thay thế những bẫy chông đã mục. Mỗi cây chông dài khoảng 40 cm, được vót nhọn hoắt hai đầu, cắm tua tủa trên đất. "Nếu giẫm trúng, kẻ xấu bị thương ở chân không thể đi xa, chúng tôi dễ dàng bắt giữ", anh Văn giải thích.
Theo anh Văn, khu vườn có vài bẫy chông đặt ở dưới hố, trên mặt được nguy trang bằng lá cây. Chông không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng khiến kẻ trộm khiếp sợ, không dám bén mảng vào vườn sâm.
Năm 2014, anh Văn cùng 26 hộ dân làng Chum Tam, xã Măng Ri nhận chăm sóc, bảo vệ vườn sâm của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ba năm trước, sau khi vườn sâm lân cận bị trộm cả trăm gốc, thiệt hại hàng tỷ đồng, anh cùng đồng nghiệp được lệnh tăng cường cảnh giác.
Ban đêm họ phân công nhau đi tuần tra và thăm bẫy chuột, bất kể trời mua gió, rét buốt. Mùa này sâm "ngủ đông", hạt sâm đã được thu hoạch nên đỡ vất vả hơn thời điểm tháng 4 đến tháng 8, lúc đó sâm bắt đầu ra quả, người trồng sâm vừa phải dùng lưới che chắn mưa đá, vừa phải ngăn chuột ăn hạt.
Mỗi quả sâm có giá khoảng 100.000 đồng, khi ươm thành công sẽ bán với giá 400.000 đồng một cây. Mỗi cây ít cho 5-7 quả, nhiều thì hàng chục quả. Còn loại củ nhỏ, ít năm tuổi trên 60 triệu đồng một kg; củ lớn, nhiều năm tuổi vài trăm triệu đồng một kg.
Để phát triển sâm Ngọc Linh, hiện nay, các công ty trồng sâm hợp đồng lao động với khoảng 300 đồng bào ở các xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông). Ngoài lương mỗi người 3 triệu đồng một tháng, hàng năm doanh nghiệp còn tặng cho mỗi công nhân 100 cây con một năm tuổi (tương đương 40 triệu đồng) để họ tự phát triển vườn sâm của mình.
Anh A Chên, 33 tuổi, quản lý vườn sâm làng Chum Tam cho biết, vì giá trị cây sâm cao, nên việc bảo vệ phải đảm bảo tuyệt đối, nhiều vườn sâm còn đặt thêm bẫy bắt thú rừng. Bẫy làm bằng cây nứa vót nhọn, một cành cây dài khoảng 2 m và ít dây rừng. Cành cây được buộc chặt uốn cong tạo lực và dùng dây giăng trên lối đi. Con vật đi qua, vướng dây thì lập tức cây nứa vót nhọn bay như tên bắn ra.
"Những bẫy dễ gây chết người nay chúng tôi không làm, thay vào đó là tăng cường tuần tra ở ngoài khu vực vườn sâm", anh Chên nói.
Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, từ khi người dân tham gia chăm sóc vườn sâm, trên địa bàn chưa từng xảy ra vụ trộm sâm Ngọc Linh, vì người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt, kẻ trộm cũng sợ hãi trước những bẫy chông đặt khắp vườn. "Tuy nhiên, chính quyền cũng tuyên truyền người dân hạn chế dùng những cái bẫy nguy hiểm đến tính mạng", ông Thành nói.
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng ở độ cao 1.200-2.000 m nằm trên dãy Trường Sơn, được trồng nhiều nhất ở Quảng Nam và Kon Tum. Riêng, tỉnh Kon Tum có trên 600 ha sâm Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei), trong đó diện tích của các doanh nghiệp đạt trên 570 ha.
Thành phần trong sâm chứa tới 26 hợp chất Saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không thấy có trong các loại sâm khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy sâm có công hiệu như bổ toàn thân, trị suy nhược cơ thể, bổ thần kinh và sinh dục, tăng sức, tăng trí nhớ... Năm 2017, sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.
Trần Hoá