Mỗi ngày truy cập Facebook, người sử dụng không khó gặp những nội dung được bạn bè họ chia sẻ lại như "Hãy bấm Like thông tin này để giành một kỳ nghỉ tới Barbados", "Hãy chia sẻ post này để trở thành một trong 1.000 người may mắn được Mark Zuckerberg tặng 4,5 triệu USD"...
Ở Việt Nam, gần đây rộ lên trò lừa kêu gọi người dùng bình luận chọn màu sắc xe sau đó bấm like và share trang fanpage công khai để có cơ hội trúng thưởng xe Honda SH, Piaggio Vespa, Porsche Cayenne S 2015... Tuy đã có nhiều thông tin cảnh báo từ trước, vẫn có hàng chục nghìn lượt thích và bình luận trên các trang fanpage giả danh này. Không ít người tỏ ra nghi ngờ nhưng vẫn Like với tâm lý "nếu không trúng thì cũng có mất gì đâu".
Có khoảng 5% tài khoản trên Facebook là giả mạo và tỷ lệ này vẫn đang tăng lên. Các post tặng quà này ban đầu trông có vẻ vô hại, nhưng về sau thường bị thay đổi để lừa đảo, thu thập thông tin cá nhân hoặc dụ người dùng tải mã độc về máy. Không ít người đã bị hack, mất tài khoản Facebook mà không hiểu vì sao.
Telegraph đã đưa ra những cách để người dùng hạn chế rơi vào bẫy câu Like:
1. Cảnh giác trước những món quà quá hời
Luôn thận trong trước những nội dung tặng quà, như tặng xe, tiền mặt, điện thoại... bởi thực tế, món quà đó là quá hậu hĩnh trong khi không có gì là miễn phí. Khi thấy thông tin như vậy, cần tìm hiểu kỹ về tài khoản đăng cùng những yêu cầu đi kèm... thay vì vội vàng bấm Like và Share không suy nghĩ.
2. Chỉ Like những nội dung từ thương hiệu và người mà bạn biết
Bất cứ ai cũng có thể lập tài khoản Facebook có tên kiểu "Honda Việt Nam", "Mercedes-Benz Việt Nam"... nên khi bắt gặp, không nên mặc định những trang đó là trang chính thống. Bạn chỉ nên tin tưởng tài khoản đã được Facebook xác nhận (có dấu tick màu xanh bên cạnh tên) hay những thương hiệu chưa được xác thực nhưng bạn biết rõ, từng tương tác trước đây.
3. Thận trọng khi chấp nhận các điều khoản
Luôn xem kỹ dữ liệu nào được yêu cầu cung cấp trước khi bấm "Đồng ý". Chẳng hạn, một công ty có tên Vonvon đã phát triển ứng dụng có thể phân tích những từ nào các thành viên hay sử dụng nhất trên Facebook. Hàng chục triệu người đã tham gia và chấp nhận cho công ty này tiếp cận mọi thông tin trên Facebook như tên, giới tính, học vấn, danh sách bạn bè, status, thậm chí cả địa chỉ nhà, địa chỉ IP... Công ty này cho biết dữ liệu sẽ được lưu trên máy chủ "ở nhiều nước trên toàn thế giới" và họ có thể bán cho bên thứ ba vì người dùng đã đọc các chính sách về bảo mật và đã đồng ý cho Vonvon làm điều đó.
4. Xem lại các hoạt động của bạn
Truy cập Activity Log trên tài khoản để xem bạn từng Like hay chia sẻ những gì. Nếu có nội dung nào bị thay đổi, hoặc trông đáng ngờ, hãy bỏ Like và gửi báo cáo đến Facebook.
5. Bỏ thói quen Like dạo
Nghĩ kỹ trước khi tương tác trên Facebook, đặc biệt khi được yêu cầu chia sẻ thông tin để nhận quà. Những hoạt động của bạn đều được lưu lại và có thể một lúc nào đó, bạn vô tình rơi vào bẫy lừa đảo mà không hay biết.
6. Thận trong trước các nội dung đa phương tiện
Kẻ lừa đảo thường chọn nội dung như video, game, trò chơi, trắc nghiệm, giải đố... để ấn mã độc. Nếu người dùng bị yêu cầu cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân hoặc phải cài thêm phần mềm mới có thể xem thì khả năng cao nội dung đó có chứa chương trình độc hại.
Châu An