Là huyện nửa trung du miền núi, nửa đồng bằng, Yên Thành được biết đến là vựa lúa của Nghệ An. Trong 39 đơn vị hành chính của huyện, Lăng Thành là xã rất đặc biệt, được bao bọc bởi 106 ha rừng lim. Từ trung tâm xã đến rừng lim gần nhất chỉ một cây số, đó là Rú Chùa, xa hơn nữa là Hóc Nông, Đồng Bàu, Vệ Thạng…
Lim được người dân nơi đây chăm sóc và bảo vệ như "báu vật" suốt hàng trăm năm qua. Những cụ cao tuổi nhất trong xã chỉ biết khi còn thiếu niên đã nhìn thấy rừng lim bạt ngàn, cao to, thân vỏ sần sùi và bây giờ khi đã ở tuổi "cổ lai hy" vẫn thấy rừng lim như vậy.
“Rừng lim gắn liền với tuổi thơ những lần đi đốn củi, bẻ măng, chăn trâu dưới tán lá um tùm của cây lim cổ thụ”, ông Phan Đăng Lưu, một cụ cao niên xã Lăng Thành nhớ lại những ngày thơ ấu gắn liền với rừng lim. Nhiều gốc lim có đường kính to bằng vài người ôm và có tuổi đời phải trên 200 năm.

Khu rừng lim tại xã Lăng Thành. Ảnh: Phan Ngọc.
Năm 1995, thực hiện chủ trương giao đất khoán rừng, 106 ha rừng lim đã được giao cho 178 hộ dân quản lý. Mỗi gia đình được giao bao nhiêu cây lim, cây tạp đều được ghi vào sổ sách để theo dõi. Nhà nào để mất dù một cây lim sẽ bị phạt 2 tạ lúa và bồi thường giá trị của cây đó, mất một cây tạp cũng sẽ bị phạt một tạ lúa. Do vậy, từ nhiều năm nay, rừng lim của xã được giữ nguyên vẹn.
Ông Đặng Ngọc Hà, đội trưởng bảo vệ rừng lim ở xã Lăng Thành cho biết, Rú Chùa là khu rừng còn giữ được những nét hoang sơ nhất trong toàn bộ rừng lim của xã Lăng Thành. Bây giờ quy định đã có sự thay đổi, người dân có thể chặt bỏ cây dại để trồng dứa, trồng keo xen lẫn phía trong rừng lim. Nhưng cây lim là tài sản chung nên tuyệt đối không ai được đụng vào.
Để bảo vệ rừng lim, xã còn thuê 8 người làm nhiệm vụ túc trực, tuần tra rừng. “Người dân nơi đây xem những cây lim không chỉ là tài sản chung mà còn như một biểu tượng tâm linh nên anh em không vất vả lắm. Nhiệm cụ chủ yếu của đội bảo vệ lại là phát dọn thực bì chống cháy rừng”, ông Hà tâm sự.
Là một trong những hộ nhận khoán rừng nhiều nhất với 4 ha, anh Nguyễn Công Tiến được giao nhiệm vụ bảo vệ 40 cây lim cổ thụ và rất tự hào mỗi khi nhắc đến những “cụ” lim của mình. Những cây lim cổ thụ đã gấp 4-5 lần số tuổi của hai vợ chồng anh, mỗi cây lim có đường kính 0,6-1 m. Để tiện cho việc trồng một số cây hoa màu, hàng năm anh Tiến phải làm đơn trình UBND xã để xin chặt, tỉa bớt một số cành cây tạp, còn những gốc lim thì tuyệt đối không đụng vào.
Lim ở đây là giống lim sâu róm và lim xanh, thân cây không lớn nhưng lõi chắc, hoa văn đẹp, dùng để làm nhà, hoặc đóng đồ gỗ dân dụng rất tốt, nhưng không ai dám tự ý chặt hạ. Chỉ tay về phía tán lim cao vút, anh Tiến cho biết đó là đền Thượng Sơn, ngôi đền được dựng bằng chính gỗ lim trong khu rừng. Trước đây, có một ông thầy lang sống dựa vào khu rừng, hàng ngày thường lên rừng hái thuốc về chữa trị cho người dân. Sau khi ông mất, người dân họp bàn và quyết định lấy gỗ lim dựng một ngôi đền để thờ cúng ông ấy.

Nhiều cây lim ở Lăng Thành có đường kính bằng vài người ôm. Ảnh: Phan Ngọc.
Ông Hoàng Danh Thọ, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết, khu rừng lim rộng 106 ha thuộc loại nhóm gỗ quý hiếm, lại phân bổ rộng nên có những giai đoạn cả chính quyền lẫn người dân phải rất căng thẳng trong việc bảo vệ. Hiện rừng có 2.104 cây lim đã được ghi vào sổ sách, giao cho người dân quản lý.
“Kể từ khi giao khoán rừng, đặc biệt là người dân ai cũng rất quý và xem những gốc lim như máu thịt của mình, nên đã tự giác bảo vệ rừng lim. Hàng năm, chúng tôi còn phát động người dân trồng thêm các cây lim mới xen kẽ để tăng thêm số lượng”, ông Thọ cho biết.
Phan Ngọc