Ca sĩ Đan Trường - sản phẩm của công nghệ lăngxê. |
- 7 năm qua, tên anh luôn gắn liền với sự thành công của ca sĩ ăn khách Đan Trường. Điều gì làm anh tâm đắc nhất?
- Tôi hài lòng vì mình là người đầu tiên khám phá và dám thử nghiệm. Mấy chuyện này ít người biết lắm cho dù họ học theo rất nhiều. Như khởi xướng đưa vũ đoàn minh hoạ khi Đan Trường biểu diễn ca khúc Hôn môi xa năm 1998 trên TV, làm poster quảng bá cho CD ở thị trường Việt Nam, rồi vỏ hộp, đĩa màu... Chuyện nhỏ để phục vụ mục đích lớn. Nhưng nghĩ được cái lớn, khả thi khi người khác chưa nghĩ ra đâu có đơn giản.
- Anh nghĩ gì khi nhiều người nói rằng anh ràng buộc Đan Trường?
- Tất cả những sản phẩm làm ra, hợp đồng biểu diễn tôi không đơn phương quyết định. Quyết định cuối cùng thuộc về Đan Trường. Giữa tôi và Trường không có hợp đồng trong suốt bảy năm cùng làm việc, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó mật thiết bởi tôi biết rất khó tìm được một ca sĩ có năng lực và cầu tiến như Trường. Trường cũng biết không ai tận tâm, chuyên nghiệp hơn tôi. Bảy năm, tôi chưa từng bỏ một đêm diễn nào của Trường, luôn điều chỉnh kịp thời cho ca sĩ.
- Có dư luận cho rằng anh là người đứng sau sự kiện Cao Thái Sơn rút khỏi Sao Mai Điểm hẹn. Anh nói gì về điều này?
- Chính xác là tôi tới sau. Sơn rút khỏi cuộc thi 10 ngày tôi mới quyết định nhận cậu ấy. Kỹ thuật của Sơn không quá màu mè phức tạp, phong cách gần gũi, vấn đề là chọn bài chính xác để đến được số đông khán giả. Sơn phải hát được nhiều dòng nhạc. Trong thời gian vừa qua, tôi cho Sơn đi hát ở một số nơi để thăm dò thị hiếu. Hào quang của Sao Mai - Điểm hẹn là có thực nhưng không lớn như các ca sĩ hy vọng. Sơn phải rèn lại từ đầu: phong cách, ngoại hình, làm quen khán giả. Sơn đã về ở cùng Đan Trường, hằng ngày thu âm, quay clip tại Huế. Cuối tháng 10 sẽ ra mắt vol 1. Tôi đầu tư bước đầu cho Sơn khoảng 400 triệu đồng. Tôi cho rằng con số đó là hợp lý.
- Sau Đan Trường đã có một số ca sĩ đầu quân cho anh nhưng không thành công. Với trường hợp của Sơn thì sao?
- Không thành công vì họ không có triển vọng, thất bại, chia tay là tất nhiên. Nói thật, nếu đơn thuần để kinh doanh thì tôi không đầu tư cho Thái Sơn. Thị trường ca nhạc phía Nam chuộng mẫu ca sĩ dễ thương, hiền, ăn nói thật thà, không quá khéo léo. Ca sĩ nhạc trẻ phía Bắc có thể sống được ở đây nhưng thành sao thì chưa có. Với Cao Thái Sơn, tôi muốn phiêu lưu, chứng minh điều không thể - nếu có hướng đầu tư thích hợp vẫn thành có thể.
- Anh sẽ để Cao Thái Sơn lấy lòng khán giả bằng "chiêu thức" nào?
- Có hai chiêu mà Sơn sẽ sử dụng để thu hút khán giả. Thứ nhất, cư xử, chuyện trò với khán giả phải thật lòng. Đan Trường không có fan ảo là nhờ vậy. Thứ hai, không bao giờ hát nhép. Cũng như với Đan Trường, tôi từng ra tuyên bố ai bắt được cậu ta hát nhép tôi thưởng 50 triệu đồng, dù ở live show truyền hình. Sơn cũng phải tuân thủ nguyên tắc đó. Muốn có fan sống chết với mình, ngay thẳng là trên hết.
- Mỗi scandal mang đến cho anh cảm giác thế nào?
- Tôi không buồn và cũng đâu có sợ. Cạnh tranh trong thị trường ca nhạc chắc chắn phải đụng chuyện này chuyện kia, có đụng ắt có scandal. Nhưng scandal của tôi là do công việc gây ra chứ không phải qua scandal để mong dư luận tạo tiếng tăm, lôi cuốn dư luận.
- Lý do nào khiến anh lao vào lĩnh vực kinh doanh căng thẳng và đầy bất trắc này?
- Vì say mê. Vì tin rằng mình có khả năng tìm đường đến các khu vực chưa ai khai phá. Tôi tập trung hết sức lực và thời gian cho công việc. Chứng kiến lao động của tôi, ca sĩ không bao giờ muốn bỏ tôi mà đi. Tôi làm việc ngày đêm ở trung tâm, ăn mì gói là chuyện thường. Một ngày tôi chỉ ngủ 4 tiếng và chỉ mơ có một ngày nào đó được ngủ 8 tiếng mà thôi.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)