Chiều 20/5, đại diện VKS công bố cáo trạng dài 36 trang, truy tố Nguyễn Đức Kiên cùng 8 người phạm các tội Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi công bố cáo trạng, đại diện VKS cho rằng do toà đã tạm đình chỉ vụ án với cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá, nên cơ quan công tố quyết định rút tài liệu truy tố đối với ông này.
Các bị cáo còn lại gồm Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang (2 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB), Huỳnh Quang Tuấn (cựu phó tổng giám đốc), Trần Trọng Thanh (cựu giám đốc, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội – ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (cựu kế toán trưởng) đều cho rằng cáo trạng truy tố không chính xác, không đúng tội. Các ông Cang, Kỳ, Hải khai chưa bao giờ cố ý làm trái quy định của pháp luật.
Bắt đầu phần thẩm vấn, ông Kiên bị cách ly, đưa ra khỏi phòng xử. Theo truy tố, ACBI sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát. Ngày 11/5/2010, ông Thanh ký hợp đồng thế chấp gần 22,5 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát cho ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.
Ngày 5/5/2012, bà Yến soạn thảo văn bản để ông Thanh ký gửi ngân hàng ACB và công ty TNHH Chứng khoán ACB – ACBS đề nghị xem xét cho giải toả 20 triệu cổ phần trong tổng số gần 22,5 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát đang thế chấp tại ngân hàng cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do công ty ACBI phát hành và bổ sung bằng hơn 7,4 triệu cổ phiếu ngân hàng Eximbank tương đương mệnh giá hơn 74 tỷ đồng.
ACB không đồng ý giải chấp theo đề nghị của công ty ACBI đồng thời khẳng định gần 30 triệu cổ phẩn Công ty CP Thép Hoà Phát (trong đó gần 22,5 triệu cổ phần thế chấp cho trái phiếu và gần 7,5 triệu cổ phiếu thế chấp cho khoản vay) vẫn đang thế chấp tại ngân hàng ACB và ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phiếu này.
Ngày 15/5/2012, bà Yến soạn thảo Quyết định để bầu Kiên ký thể hiện chủ trương, thống nhất của các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần trên.
Với chữ ký nháy của bầu Kiên, ngày 21/5/2012, ông Thanh ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát do ông Kiều Chí Công (giám đốc đại diện) về việc bán lại 20 triệu cổ phần này, tương ứng 264 tỷ đồng. Tại điểm I, khoản 5, công ty ACBI cam kết: “Đảm bảo số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn, các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng, chuyển giao cho công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát đầy đủ theo hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của công ty ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc chưa thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào”.
Trước toà, ông Thanh trình bày tháng 4/2006 làm giám đốc của ACBI. Bản thân bị cáo chỉ là giám đốc kiêm nhiệm. Mọi quyết định tại công ty đều do chủ tịch HĐQT Kiên ký và các thành viên đều phải thông qua. Theo ông Thanh, việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần đều đã được ông Kiên đàm phán trước đó. Bản thân ông không được bầu Kiên bàn bạc, trao đổi về hợp đồng này. Khi kế toán trưởng đưa biên bản họp HĐQT cũng như nghị quyết giải chấp số cổ phiếu này, thấy ông Kiên ký nháy nên bị cáo đã tin tưởng, ký vào các giấy tờ đó. “Đây là sai lầm của tôi khi mà anh Kiên đã ký nên không xem lại. Việc này dẫn đến ngày hôm nay tôi phải đứng trước toà”, ông Thanh trình bày.
Chủ toạ cho rằng, bị cáo là giám đốc phải nhận thức được tài sản đã thế chấp không được chuyển nhượng. Trong khi đó, bị cáo không họp HĐQT mà ra nghị quyết khống để bán cổ phần. Vậy mà trong hợp đồng bị cáo ký thể hiện số tài sản này không bị thế chấp, ràng buộc bởi người thứ ba – toà cho biết. Ngoài ra, toà cũng công bố, tại cơ quan điều tra, bị cáo cũng khai, tự nhận thức được rằng việc khởi tố lừa đảo là đúng bởi lẽ đã bán cổ phiếu đang bị thế chấp là phạm pháp.
Nhắc lại việc chỉ là giám đốc kiêm nhiệm, ông Thanh cho rằng, làm mọi việc theo chỉ đạo của ông Kiên. Bị cáo có đọc hợp đồng, trong điều khoản có nói tài sản không thế chấp và ràng buộc với ai. Cái sai của bị cáo khi ký hợp đồng đã không kiểm tra lại các thủ tục đã đầy đủ chưa, mà quá vội vã.
Bị cáo Yến cũng cho rằng, việc soạn thảo biên bản họp HĐQT, nghị quyết dự kiến chuyển nhượng 20 triệu cổ phần công ty thép Hoà Phát là có sự chỉ đạo của bầu Kiên. Bà Yến trình bày, tại cơ quan điều tra, bà có khai không có việc họp HĐQT. Song trước toà, bà cho rằng họ có thể họp qua nhiều hình thức (Internet, điện thoại, email). Sau khi ký hợp đồng với Thép Hoà Phát, công ty này đã tự động chuyển tiền vào tài khoản của ACBI.
8h ngày mai, 21/5, toà tiếp tục phần thẩm vấn.
Việt Dũng