- Sau Nhật Bản rồi Hàn Quốc, lần này ông để Công Phượng sang Bỉ thi đấu. Lý do chính dẫn đến quyết định là gì?
- Tôi đã cho Công Phượng thi đấu ở hai quốc gia bóng đá hàng đầu châu Á. Đánh giá chuyện thành bại, tôi xin nhường cho người hâm mộ và các nhà chuyên môn. Còn riêng tôi, tôi cảm thấy tự hào vì là người tiên phong trong việc đưa các cầu thủ do mình đào tạo ra nước ngoài thi đấu. Công Phượng rồi Xuân Trường, Tuấn Anh đều góp phần làm rạng danh con người và bóng đá Việt Nam.
Tôi đã nhận rất nhiều "gạch đá" khi các cầu thủ thi đấu và gặp nhiều thử thách ở nước ngoài. Nhưng tôi vẫn quyết tâm để họ đi càng nhiều càng tốt. Bởi, đi một ngày đàng, học một sàng khôn mà. Những cơ hội như thế không phải ai cũng có được. Khi ra nước ngoài, không học được điều này thì học được điều khác để rồi sau đó đem sự tiến bộ trở về cống hiến cho bóng đá nước nhà.
Ai nói Công Phượng sang Bỉ thi đấu vì mục đích thương mại là tầm bậy. Tập đoàn HAGL làm về nông nghiệp, trong khi chủ sở hữu đội bóng Bỉ làm về thương mại điện tử thì đâu có liên quan gì đến nhau. Nói thẳng thế này, họ đưa ra lời đề nghị với số tiền chuyển nhượng hợp lý thì tôi gật đầu. HAGL được tiền chuyển nhượng, trong khi Công Phượng cũng đồng ý vì hưởng lương cao và chế độ đãi ngộ tốt ở châu Âu, tất cả chỉ có thế thôi. Còn về chuyên môn, Công Phượng không chỉ nhận được lời đề nghị từ CLB Sint-Truiden mà còn từ 7 đội bóng khác ở châu Âu. Nhưng chúng tôi chọn CLB của Bỉ vì những điều khoản hợp lý trong sự phát triển sự nghiệp của Công Phượng. Còn Công Phượng thành công hay không thì chưa biết. Không đi không thể biết có thành công hay không, mình cứ phải tiên phong mới biết được thế nào.
- Nhiều nghi ngại cho rằng Công Phượng sẽ tiếp tục ngồi ghế dự bị và thất bại như những lần ra nước ngoài trước đây. Ông thì thế nào?
- Nếu sợ, tôi đã không cho đi. Ai cũng nói tôi đưa cầu thủ đi nước ngoài thất bại nhưng thử hỏi, đã có đội bóng nào của Việt Nam đưa cầu thủ ra nước ngoài thành công chưa? Chưa có thì làm sao so sánh với chúng tôi?
Công Phượng sang Bỉ lần này, dù ngồi dự bị suốt giải, tôi cũng vui. Bởi điều đó sẽ cho cậu ấy "kinh nghiệm dự bị". Nhưng, dự bị có phải tập không? Có chứ. Tập nhiều là đằng khác. Được ăn tập trong một nền bóng đá hàng đầu, tiếp xúc với cầu thủ đẳng cấp, là điều khao khát với nhiều cầu thủ Việt Nam. Các bạn cứ nói cầu thủ này sắp đi châu Âu, sắp đá cho đội nọ, đội kia nhưng có thực hiện được như chúng tôi chưa? Khi nào thành hiện thực tôi mới tin. Còn bây giờ, tôi vẫn tự hào vì để cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu rất nhiều.
- Ông được gì và mất gì khi để các cầu thủ "con cưng" của mình xuất ngoại?
- Tôi được chứ không mất gì cả. Tôi được tiền chuyển nhượng, dù chỉ một đồng cũng là tiền mình làm ra. Cầu thủ của tôi có thu nhập cao khi thi đấu cho các CLB nước ngoài. Lương một tháng của các cháu bằng thu nhập một năm của một cầu thủ Việt Nam. Vậy tại sao lại không cho đi?
Tôi dám tự hào khẳng định HAGL là CLB có quan hệ quốc tế tốt, là người mở đường đi cho bóng đá Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Việt Nam trước đây gặp Thái Lan thua liên tục, nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau khi HAGL bắt tay đào tạo cầu thủ, cùng nhiều CLB khác nữa, tạo ra thế hệ vàng hiện nay. Bây giờ chúng ta đâu còn sợ Thái Lan, ngay cả đá với Nhật Bản cũng vậy. Rất tự tin và không sợ sệt.
Vậy chúng tôi được nhiều chứ có mất gì đâu. Tôi thấy lạ là tại sao cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu lại bị chỉ trích, lại bị "gạch đá". Nhưng không sao, chúng tôi sẵn sàng hứng chịu vì chúng tôi có cách làm riêng để phát triển bóng đá Việt Nam.
Đức Đồng