Năm nay, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - tất bật với việc mở rộng diện tích sầu riêng. Hiện công ty ông sở hữu vườn sầu riêng rộng 1.200 ha tại Lào. Đây là năm đầu tiên cho trái, trong đó những cây Monthong 5 năm tuổi đạt sản lượng bình quân 20-30 quả, nặng 2-4 kg mỗi trái.
Ông Nguyễn Kim Luân - Trưởng Phòng Nông Nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, cho biết hàng ngày, bầu Đức thường dậy sớm, trao đổi công việc cùng đội ngũ lãnh đạo từ 6 giờ sáng khi sương mờ tại Paksong (Lào) chưa kịp tan. Sau đó, ông thoăn thoắt đi thăm từng cây sầu riêng đang trĩu quả.
Năm nay, khu vườn sầu riêng này có khoảng 200-300 ha sẽ cho thu hoạch. Tháng 8 là thời điểm Monthong mới có thể cắt bán.
Dẫu vậy, theo bầu Đức, trái còn non nhưng từ tháng 5 đã được các doanh nghiệp Trung Quốc lùng mua và sẵn sàng đặt cọc giá cao. "Công ty chưa vội bán vì chờ tới vụ thu hoạch để có giá tốt hơn", ông Đức nói với VnExpress nhân chuyến thăm vườn sầu riêng mới đây.
Với gần 300 ha sắp thu hoạch, ông dự tính công ty sẽ thu về 2.000 tấn sầu riêng, tương đương 200 tỷ đồng doanh thu (tính theo mức giá hiện tại). Đến năm 2025-2026, con số này có thể lên đến nghìn tỷ đồng.
Để có năng suất tốt, trái đạt chất lượng cao về mùi vị, độ ngọt, ông Đức cho biết đã mời 10 chuyên gia từ Thái Lan sang Lào "ăn ngủ" cùng sầu riêng, còn tại vùng trồng Việt Nam sẽ do chuyên gia Lã Cảnh Cường tư vấn.
Hàng năm, các chuyên gia cao cấp từ Thái Lan cũng thường xuyên sang thăm và theo dõi kỹ thuật, quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng sầu riêng luôn đạt tiêu chuẩn cao. "Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ, công ty chọn cách canh tác tự nhiên, cắt cỏ 2 tháng một lần để cây có thêm dinh dưỡng từ cỏ mục và giữ độ ẩm cho đất", ông Đức cho hay.
Đánh giá về thị trường, ông cho rằng ngành sầu riêng sẽ cạnh tranh hơn sau khi Malaysia đàm phán thành công xuất khẩu quả tươi vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông tin rằng nhu cầu thưởng thức loại quả này vẫn rất lớn không chỉ từ Trung Quốc mà còn các thị trường khó tính như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Hiện sầu riêng từ các vườn trồng trên cao nguyên với thổ nhưỡng phù hợp và canh tác theo chuẩn GlobalGAP rất ít. Đây là lợi thế giúp sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai có ưu thế và dễ dàng tạo uy tín với người tiêu dùng tại thị trường quốc tế. Ở Lào, vườn sầu riêng của công ty ông là hàng "trái vụ tự nhiên" trồng ở độ cao 1.000 m.
Chỉ tay vào tấm biển nông trường canh tác theo chuẩn GlobalGAP, ông Đức cho biết sản phẩm sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai tự tin có thể xuất khẩu khắp thế giới. Chúng đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh khu vườn sầu riêng GlobalGAP tại Lào, hơn 60 ha cho trái năm thứ hai đang trĩu quả tại Gia Lai cũng được thương lái tìm mua. Theo ông Nguyễn Kim Luân, thời tiết năm nay khá khắc nghiệt với nền nhiệt tăng 4 độ C, nhưng nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt bù ẩm, sản lượng thu hoạch vẫn tăng 1,5-2 lần so với năm ngoái.
Ông Lê Hồng Phú, người nhận khoán 31 ha sầu riêng ở Gia Lai của HAG, cũng cho biết vụ năm nay, khu vườn của ông thu hoạch khoảng 500 tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. "Nhiều cây sau khi thụ phấn đậu tới 100 trái, nhưng để chúng phát triển ổn định, tôi chỉ giữ lại 30-50 trái", ông Phú chia sẻ.
Phát triển mạnh ba trụ cột chính là sầu riêng, chuối và heo, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến doanh thu năm nay đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế trên 1.300 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã trồng thêm 500 ha sầu riêng và 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích lên 2.000 và 9.000 ha.
Với việc áp dụng cơ chế khoán cho các giám đốc nông trường chuối và "chủ" vườn sầu riêng, ông Đức kỳ vọng 2 năm tới, HAG không chỉ có những "nông dân bạc tỷ" mà sầu riêng của công ty được ưa chuộng cả trong nước và quốc tế.
Thi Hà