Năm 2002, trong giới bóng đá, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)gây sốc khi đưa danh thủ nổi tiếng người Thái Lan là Kiatisuk Senamuang về đầu quân cho CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Thời điểm đó, trong giới kinh doanh, Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ được số ít người biết đến là một công ty sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, không ít người cho rằng bầu Đức "quăng bom" để lấy tiếng.
Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. |
Nhưng ngôi sao bóng đá có biệt danh "Zico Thái" đã chính thức đến Việt Nam và được bầu Đức "rước" về thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai để đá cho đội bóng tỉnh lẻ. Đây cũng là khởi đầu cho chiến dịch trải thảm đỏ đón các ngôi sao về Phố Núi của Đoàn Nguyên Đức.
Theo đó, đội bóng này thăng hạng rồi vô địch V-League trong 2 năm liên tiếp 2003 và 2004. Trong giai đoạn này, các cửa hàng đồ gỗ của Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện ngày càng nhiều tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau đó, mọi người mới bắt đầu tìm hiểu chuyện làm ăn, kinh doanh của bầu Đức.
Năm 2006, ông bầu này một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của bóng đá tới kinh doanh. Đó là chuyến đi sang thủ đô London, Vương Quốc Anh để học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá và hợp tác với CLB Arsenal. Nhìn hình ảnh ông chủ Hoàng Anh Gia Lai nhỏ con, đứng cạnh những danh thủ to cao của Arsenal thời điểm đó, như Adebayor, Gallas, nhiều người đã phì cười.
Nhưng kết quả là học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG ra đời. Trong nhiều trận đấu trên sân Emirates của Arsenal, đông đảo fan bóng đá đã thấy logo Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam chạy trên biển quảng cáo bao quanh sân.
Thông thường, một sản phẩm khi ra thị trường sẽ phải qua giai đoạn làm quen với người tiêu dùng, sau khi chất lượng được kiểm chứng, thương hiệu cùng ông chủ của nó mới được biết đến. Trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai thì ngược lại, người ta biết đến ông chủ, thương hiệu, rồi mới "chứng thực" sản phẩm.
Từ một công ty sản xuất đồ gỗ, Hoàng Anh Gia Lai trở thành tập đoàn có tổng tài sản cả tỷ USD. Bầu Đức từ một người không học hành đến nơi đến chốn trở thành một doanh nhân quyền lực khu vực Đông Nam Á, theo bình chọn của Wall Street Journal.
Năm 2007, Hoàng Anh Gia Lai đã có chiến lược mở rộng sang các ngành nghề khác như cao su, thủy điện, khoáng sản… Cũng nhờ vậy, sự suy thoái của thị trường bất động sản trong những năm qua không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai, mà còn tiếp tục củng cố vị thế của tập đoàn trên bình diện trong nước cũng như quốc tế.
Năm 2011, tập đoàn này phát hành thành công trái phiếu quốc tế trị giá 90 triệu USD, phát hành 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Tập đoàn đầu tư Temasek (Singapore)…
Thể hiện là con người đầy quyền lực trong hoạt động kinh doanh song ngoài đời, bầu Đức khiến không ít người choáng trước phong cách bình dân và bụi bặm. Vị Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai thậm chí còn có cách nói chuyện bỗ bã, nhiều lúc hơi thô tục. Giới quản lý quỹ vẫn còn kháo nhau câu chuyện, sếp của một quỹ khi gọi điện cho bầu Đức không rõ vì vốn tiếng Việt còn yếu hay cách nói có phần trịch thượng đã bị “nạt” lại rằng: “Mày ở quỹ nào?”.
Ngay tại những sự kiện quan trọng nhất của doanh nghiệp là đại hội đồng cổ đông, người ta mới thấy bầu Đức đeo cà vạt nhưng theo kiểu cho có, mặc sơ mi nhưng vẫn quần jeans và giày thể thao. Vượt lên trên vẻ ngoài bụi bặm đó, Đoàn Nguyên Đức luôn khiến người đối diện cảm nhận được tầm nhìn xa và sự sắc sảo.
Bằng chứng là chưa bao giờ trên sàn chứng khoán có điều tiếng gì về chuyện Đoàn Nguyên Đức chơi đòn hiểm với cổ đông hay đối tác. Những tin đồn về việc sử dụng chiêu trò phù phép hay làm xiếc với giá cổ phiếu khiến cho cổ đông thiệt hại gần như không xuất hiện.
Mới đây, trong lần bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), bầu Đức sau khi nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị đã phát biểu: "Cả đời tôi chưa từng làm phó cho ai. Nhưng nay tôi chấp nhận làm phó cho bầu Thắng. Điều gì tốt cho bóng đá Việt Nam, tôi sẽ làm". Có thể nhiều người không thích, nhưng vẫn phải "nể" bầu Đức là bởi vậy.
(Theo SGĐTTC)