Sau khi hoàn tất thủ tục thuế, hôm 21/5, Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất đã thông quan cho chiếc King Air 350, giá khai báo hải quan là 5,1 triệu USD.
Beechcraft King Air 350, số serier FL-417 do Hãng RaytheonAircraft (Mỹ) sản xuất có 12 chỗ ngồi, trang bị động cơ Pratt & Whitney PT 6-60 A (Canada). Ảnh: portfolio. |
Theo quy định, King Air 350 không phải chịu thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt mà chỉ phải nộp thuế VAT 5%. Sau khi tham vấn giá, Phòng trị giá tính thuế Hải quan TP HCM chấp nhận giá khai báo 5,1 triệu USD và như vậy số thuế mà ông Đức phải nộp sẽ là 4 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, "bầu" Đức cho biết, tổng số tiền mà ông phải bỏ cho vụ mua bán này vào khoảng 7 triệu USD, trong đó giá trị thật của máy bay là 5,1 triệu. Số còn lại là chi phí môi giới, đào tạo phi công, bến bãi... "Chúng tôi đang làm các thủ tục xin cấp phép bay, lấy chứng chỉ an toàn... theo đúng Luật Hàng không trước khi cất cánh lên bầu trời", ông Đức nói.
Chiếc Beechcraft King Air 350 do hãng Beech Aircraft Corporation Mỹ chế tạo được ông Đức đặt mua cách đây 6 tháng. Máy bay có số serier FL-417, đã bay 3.000 giờ, bảo hành 3 năm. Đây là máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, sức chở tối đa 11 người, thân dài hơn 10 m, sải cánh hơn 15 m, buồng lái có chỗ cho 2 phi công.
Ông Đức mua King Air 350 bằng tiền túi cá nhân, nhưng máy bay cũng sẽ phục vụ công việc kinh doanh cho công ty bên cạnh nhu cầu cá nhân du lịch, đi lại... Riêng các khoản chi phí như trả lương phi công, phí đậu sân bay, tiền xăng (một giờ bay của chiếc Beechcraft King Air B350 khoảng 350 kg xăng)... đang được tính toán, có thể sẽ do ông Đức chi trả hoặc tính vào chi phí của công ty.
Hồng Anh