Chiều 26/4, tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán: HAG), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khẳng định với nhà đầu tư quyết tâm theo đuổi hệ sinh thái nông nghiệp bằng mọi giá. Theo đó, cây ăn trái là mảng miếng chủ lực tạo bệ phóng hứa hẹn đưa doanh nghiệp trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.
Để dốc toàn lực cho chiến lược này, công ty cần nguồn vốn lớn để chuyển đổi cơ cấu sang ngành nông nghiệp nên sẵn sàng thoái 47,89% cổ phần còn lại trong dự án Hoàng Anh Myanmar tại Yangon cũng như bán dự án thủy điện tại Lào.
Nếu thủ tục pháp lý thuận lợi, công ty kỳ vọng có thể thoái hết vốn khỏi dự án từng được định vị là "miếng bánh tỷ USD" tại Myanmar trong năm 2019 để chuyển dòng vốn này vào phát triển các vườn cây ăn trái quy mô đại công nghiệp.
Trước đây, từ năm 2012, dự án khu phức hợp tại Myanmar được Bầu Đức chia làm hai giai đoạn để thực hiện cuốn chiếu. Công ty từng có ý định huy động vốn để phát triển giai đoạn 2 sau khi đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên, đưa vào khai thác thành công. Tuy nhiên, phương án thoái vốn lần này được tính theo giá trị cổ phần và việc bán gần 48% cổ phần còn lại trong năm 2019 là sự rút lui toàn diện của HAGL khỏi dự án bất động sản trên "đất vàng" Yangon.
Dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar giai đoạn 1 tại Yangon. Ảnh: D.T |
Bên cạnh mục tiêu bổ sung vốn cho các vườn cây ăn trái có chu kỳ thu hoạch nhanh, quay vòng vốn hiệu quả, việc thoái vốn khỏi dự án Hoàng Anh Myanmar và chuyển nhượng dự án thủy điện tại Lào còn mang ý nghĩa tạo nguồn tiền trả các khoản nợ đến hạn. Với chiến lược tinh gọn bộ máy, bán bớt những tài sản không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, Bầu Đức đang tái cấu trúc HAG theo mô hình công ty nông nghiệp tập trung vào hệ sinh thái cây ăn trái (15 loại cây).
Kế hoạch kinh doanh của HAG trong năm 2019 cũng lệ thuộc rất lớn vào nông nghiệp. Trong năm nay công ty dự kiến doanh thu thuần 5.125 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 2.216 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các vườn cây ăn trái, mủ cao su và cung cấp dịch vụ. Riêng cây ăn trái dự kiến đóng góp doanh thu 4.400 tỷ đồng cho HAG, tương đương lợi nhuận gộp 2.200 tỷ đồng.
Vườn chuối dự kiến đạt sản lượng 244.248 tấn, mang lại doanh thu 3.545 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.776 tỷ đồng. Chuối là loại cây ăn trái chủ lực, mang lại doanh thu chính cho công ty nhờ thị trường tiêu thụ lớn và ổn định, vẫn còn dư địa tăng trưởng với giá bán cao.
Thanh long dự kiến đạt sản lượng 18.480 tấn trong năm 2019, mang lại doanh thu 575 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 291 tỷ. Theo kế hoạch, vườn mít có thể mang lại doanh thu 129 tỷ đồng, bưởi 56 tỷ đồng, xoài 57 tỷ đồng, chanh dây 30 tỷ đồng trong năm nay. Rừng cao su ước tính thu được hơn 15.000 tấn mủ khô, doanh thu 469 tỷ đồng nhưng vì chi phí cao nên lợi nhuận gộp bị âm 18 tỷ. Trong khi đó, các ngành dịch vụ, bán căn hộ và bất động sản đầu tư mang lại doanh thu 255 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 31 tỷ đồng.
Trước câu hỏi của cổ đông bao giờ công ty mới trả hết nợ để tạo cơ hội tăng giá trị cổ phiếu và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, lãnh đạo HAG cho hay, năm nay công ty mẹ có thể trả được khoản nợ 6.000 tỷ và công ty con (HNG) cũng giảm nợ được khoảng 3.000 tỷ đồng. HAGL đã và đang tích cực thu xếp nguồn vốn và dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn đồng thời ráo riết đầu tư trồng trọt, phát triển cây ăn trái để tạo nguồn thu trong tương lai.
Người đứng đầu HAGL tiết lộ thêm hiện giờ chưa có điều kiện nhưng chắc chắn trong 1-2 năm tới ông sẽ thực hiện lời hứa mua vào lượng lớn cổ phiếu HAG và mong cổ đông kiên nhẫn với công ty, bởi lẽ giai đoạn khó khăn nhất đã qua, tương lai đang tươi sáng dần lên.
Năm 2018 công ty đạt doanh thu thuần 5.388 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017, trong đó, 63,3% doanh thu đến từ bán trái cây và ớt, 37% doanh thu còn lại từ dịch vụ cho thuê, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bán mủ cao su, bán bò, hồ tiêu và bất động sản đầu tư. Tổng diện tích vườn cây ăn trái trồng được 18.675 ha gồm 15 loại nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Cao su duy trì chăm sóc và khai thác có chọn lọc hơn 47.000ha.
Vũ Lê