Thứ sáu, 29/11/2024
Chủ nhật, 23/5/2021, 09:23 (GMT+7)

Bầu cử trong trại tạm giam

Nhiều người bị tạm giam, tạm giữ tại các cơ sở của công an đã thực hiện quyền công dân, đi bỏ phiếu bầu cử trong sáng 23/5.

7h ngày 23/5, tại Trại tạm giam số 1 thuộc Công an Hà Nội đóng ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, 400 cán bộ, giám thị trại tạm giam và hơn 2.200 người bị tạm giam, tạm giữ đã đi bầu bỏ phiếu bầu cử. Đây là kỳ thứ hai, các can phạm được thực hiện quyền bầu cử của mình, từ khi Luật Bầu cử 2015 có hiệu lực.

Các cử tri đứng xếp hàng cách nhau tối thiểu một mét để đảm bảo quy định về giãn cách, phòng chống lây lan dịch bệnh.

Các bị can xếp hàng chuẩn bị vào bầu cử.

Trại tạm giam đã chuẩn bị các hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ tại các phòng, khu giam. Đơn vị cũng niêm yết danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố tại buồng giam để các bị can nghiên cứu trước khi đi bầu.

Thành viên tổ bầu cử và một bị can đại diện cho cử tri kiểm tra hòm phiếu trước khi bỏ phiếu.

Theo khoản điều 29 và 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án...

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử tại nơi đang bị tạm giam, tạm giữ.

Tổ bầu cử tiến hành niêm phong và khoá hòm phiếu.

Thượng tá Phạm Quyết Thắng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, cho biết đơn vị không chỉ lập danh sách cử tri mà còn phối hợp với các cơ quan tố tụng, đặc biệt là tòa án để lập danh sách chính xác số người tạm giữ, tạm giam. Từ đó đơn vị đã rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn quyền công dân để tham gia bầu cử.

Trại tạm giam số 1 trực thuộc Công an Hà Nội là nơi tạm giam, tạm giữ các bị can đang bị điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự xảy ra ở địa bàn. Ngoài ra, trại cũng có một bộ phận phạm nhân đang thi hành án.

Khi xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu, bị can Nguyễn Thị Nguyệt, 38 tuổi, cho biết đã được giám thị phổ biến quyền và nghĩa vụ về công tác bầu cử để có "lựa chọn sáng suốt nhất".

Cử tri được nhận một phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và 2 phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh, cấp huyện. Phiếu bầu có màu sắc khác nhau, được đóng dấu của tổ bầu cử.

Cử tri Vương Đức Thành là người đầu tiên trong số bị can bỏ phiếu bầu cử.

Theo khoản 1 điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h sáng đến 7h tối cùng ngày. Tùy tình hình, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9h tối cùng ngày.

Từ 8h10, người bị tạm giữ ở Công an huyện Chư Păh, Gia Lai bước ra đứng trước buồng giam. Tất cả đeo khẩu trang, đứng cách xa 2 m. Trước khi bỏ phiếu, họ được cán bộ công an hướng dẫn thực hiện quyền nghĩa vụ của mình.

Trước khi vào khu vự bỏ phiếu, từng người được cán bộ trại giam đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.

Dương Xuân Hào, 33 tuổi, đang bị tạm giữ về hành vi Đánh bạc cho biết, năm nay việc đi bầu cử diễn ra trong khi bị tạm giữ, nhưng vẫn đảm bảo quyền công dân và phòng chống Covid-19. "Tôi tin tưởng rằng những lá phiếu của cử tri sẽ tìm ra được những người có đức, có tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân", anh nói.

Người bị tạm giữ bỏ phiếu bầu cử.

Thượng tá Nguyễn Duy Anh, Trưởng công an huyện Chư Păh cho biết, đơn vị đã ra soát, danh sách những người tạm giam, tạm giữ để gửi danh sách cho Uỷ ban bầu cử thị trấn Phú Hòa; niêm yết danh sách và tiểu sử ứng viên, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. "Chúng tôi tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người bị tạm giữ, tạm giam", thượng tá Anh nói.

Phạm Dự - Trần Hóa

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về phapluat@vnexpress.net