Thanh tra tiếp tay những tiêu cực của ngành dầu khí. Ảnh minh họa:Quốc Tế |
Theo nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ, ông Lực bị bắt vì hành vi tư lợi trong việc thanh tra dự án dầu khí tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Cơ quan an ninh điều tra trưa 8/12 đã khám xét và niêm phong phòng làm việc của ông Lực, đồng thời tiến hành khám xét nhà riêng của ông này tại chung cư C8, tập thể Giảng Võ, Hà Nội. Căn hộ 314 của ông Lực, sơn tường loang lổ, những chậu cây ngoài ban công um tùm phủ kín máy điều hoà nhiệt độ. Tại đây, cơ quan điều tra thu được 5 bộ tài liệu liên quan đến việc thanh tra dự án 2 triệu m3 khí nói trên.
Theo ông Nguyễn Đăng Tân, tổ trưởng tổ dân phố, gia đình ông Lực mua căn hộ từ năm 1996 nhưng không ở tại đây. Gia đình ông Vụ phó còn có một ngôi nhà khác trên phố. Tuy nhiên, cách đây một tháng, hai vợ chồng ông Lực đã chuyển về sinh sống tại ngôi nhà cũ kỹ này. Sáng nay, ông Lực vẫn đi làm bình thường.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho Mai Quốc Bình cho VnExpress biết, cơ quan điều tra bắt ông Lực để làm rõ hành vi nhận tiền của đối tượng bị thanh tra. Trước đó, ngày 2/12, cơ quan an ninh điều tra đã gọi ông Dương Văn Lực để lấy lời khai nhưng ông Lực đã tỏ ra bất hợp tác.
Theo ông Bình ngay sáng 9/12, lãnh đạo thanh tra sẽ ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng của ông Lực.
Sáng nay, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã tiến hành họp khẩn cấp rút kinh nghiệm và bàn quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu đoàn thanh tra. Theo đó, từ 2006 tập trung vào 3 nội dung chính sau: Thứ nhất bàn cơ chế thiết lập các đoàn thanh tra trong đó Vụ Tổ chức cán bộ chọn cán bộ thanh tra có đủ năng lực tham gia đoàn thanh tra. Thứ hai xây dựng cơ chế giám sát đoàn thanh tra. Lãnh đạo thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức một kênh riêng để giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra tại cơ sở. Thứ ba, quy rõ trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra.
Ông Dương Văn Lực là người thứ hai bị khởi tố bắt tạm giam, sau ông Lương Cao Khải, Trưởng đoàn thanh tra Chính phủ dự án "Tuyến ống, kho cảng LPG Thị Vải".
Điều 281 Bộ Luật Hình sự: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm 3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng. |
*Tiếp tục cập nhật
Phạm Hiếu - Việt Anh