Trong nước thiếu xăng khi thế giới thừa cung
Theo lực lượng quản lý thị trường ngày 27/5, nhiều cây xăng tại tỉnh Bắc Giang như của Công ty TNHH Phương Thanh (TP Bắc Giang) và của Doanh Thắng (huyện Hiệp Hoà) dừng bán xăng, chỉ bán dầu. Cách đây một ngày, một số cây xăng tại Hà Nội cũng treo biển "hết xăng". Các chủ trạm cho biết, không nhập được hàng vài ngày nay và bị giảm lượng mua từ đầu tháng 5 do thương nhân phân phối nói "khó nhập từ đầu mối".
Lãnh đạo một thương nhân phân phối tại Hà Nội kể gần tuần nay, lượng hàng nhập được từ doanh nghiệp đầu mối đã giảm còn một phần năm, chỉ đủ bán trong vài giờ cho một cửa hàng. Chưa kể, chiết khấu mỗi lít xăng, dầu rớt thê thảm từ đầu tháng 5, chỉ còn 50 đồng với xăng, 100 đồng với dầu và thậm chí về 0 từ ngày 26/5. Dẫu vậy, sẵn sàng không nhận chiết khấu, các đại lý cho biết vẫn không mua được xăng.
Nói với VnExpress, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, không có chuyện thiếu xăng như các đại lý, cửa hàng bán lẻ kêu và cho rằng, "bất thường nằm ở phía đại lý bán lẻ".
Ông phân tích, theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, một đại lý bán lẻ chỉ được ký kết hợp đồng với một đầu mối nhập khẩu, hoặc một thương nhân phân phối nhằm đảm bảo chất lượng, giá xăng dầu. Nhưng thực tế, họ ký và mua từ nhiều nguồn khác nhau và chỗ nào chiết khấu cao hơn thì chọn.
Khi giá tăng trở lại nhưng chiết khấu thấp, các đại lý lại "chạy" về đầu mối cũ. Tuy nhiên, các đầu mối chỉ cung cấp cho hợp đồng đã ký, chứ không giao nhiều hơn, bởi bản thân họ cũng đang gặp khó về nguồn mua, nhập hàng.
Một bất thường khác là cách đây không lâu, do lượng tồn kho tại 2 nhà máy lọc dầu trong nước đang tới 90%, PVN đề nghị dừng nhập khẩu xăng dầu. Nay, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại nói đang vướng khâu nhập hàng (nhập khẩu, mua trong nước).
Họ cho biết, nguồn nhập chủ yếu từ Hàn Quốc không ổn định vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều hãng xăng dầu giảm công suất. Còn trong nước, 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn vừa rồi cũng giảm, giãn công suất khi tiêu thụ chậm. Khi nhu cầu về xăng dầu tăng trở lại sau lệnh nới lỏng giãn cách, nhà máy này chưa kịp đáp ứng.
Quan sát thị trường vừa qua, một chuyên gia xăng dầu cho rằng, không loại trừ việc doanh nghiệp kêu khan hàng nhưng thực chất là "găm" để chờ tăng giá tại kỳ điều chỉnh ngày mai (28/5).
Giá xăng thế giới đang trong chu kỳ tăng, doanh nghiệp tính toán được đà tăng của giá trong nước nên bán ra cầm chừng. "Vừa rồi họ lỗ nhiều quá, chả ai muốn lỗ thêm, nên vừa bán vừa ngóng giá lên, khiến thị trường thiếu hàng ở một số thời điểm", ông nói.
Xem thêm: Đại lý tố doanh nghiệp đầu mối xăng dầu 'găm hàng' chờ tăng giá
Điều hành xăng dầu còn bất cập
Giá xăng dầu thế giới bắt đầu chu kỳ tăng trở lại từ đầu tháng 5 khi một số nước từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bình quân 15 ngày qua, giá cơ sở xăng dầu đã tăng hơn 30%, trong khi theo Nghị định 83, chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước là 15 ngày. Chính độ trễ này, theo các doanh nghiệp, chuyên gia, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xăng dầu được các đầu mối bán ra nhỏ giọt, chờ tăng giá để giảm bớt lỗ do trước đó họ đã âm vốn quá sâu vì Covid-19.
Nếu giá cơ sở xăng dầu tăng mạnh trong khi chưa tới chu kỳ điều hành giá, cùng với nguồn cung đứt đoạn, nhỏ giọt sẽ khiến thị trường xăng dầu trong nước tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng tới cung cấp xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất.
"Thị trường biến động mà 15 ngày mới điều chỉnh giá là bất cập. Chúng tôi đã kiến nghị sửa nhưng vẫn chưa được xem xét", lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ.
Ông này tính toán, với giá cơ sở xăng RON 95 ngày điều chỉnh 13/5, công ty của ông lỗ hơn 1.000 đồng một lít, dầu DO lỗ hơn 400 đồng mỗi lít. Hiện mỗi lít xăng RON 95 lỗ khoảng 1.700-1.800 đồng, E5 RON92 lỗ gần 1.500 đồng, còn các mặt hàng dầu dao động 700-800 đồng. Ngay cả khi giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tiếp đà tăng ở kỳ điều hành ngày 28/5, vẫn lỗ khoảng 500 đồng một lít xăng RON 95.
"Phải tới khi giá thế giới lên ngưỡng 40 USD một thùng, trở lại mức giá trước khi có Covid-19 thì doanh nghiệp mới hết lỗ, không còn tình trạng bán nhỏ giọt chờ tăng giá", vị này nói thẳng.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 27/5, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương cho biết "sẽ làm rõ có hay không hiện tượng găm hàng xăng dầu".
Chiều 28/5, Bộ Công Thương ra yêu cầu các đơn vị kiểm soát, xử nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Vụ Thị trường trong nước sẽ chỉ đạo thương nhân đầu mối bảo đảm nguồn hàng, tuân thủ quy định về dự trữ lưu thông và không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn hàng nhập khẩu xăng dầu. Vụ Dầu khí và than chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chủng loại xăng dầu theo kế hoạch đã được phê duyệt. Các đơn vị đang bảo dưỡng sớm vận hành trở lại để cung cấp đủ lượng hàng theo tiến độ đã ký kết.
Anh Minh