Dự kiến, ngày 26/9 TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm bị cáo Tưởng Đăng Thế (46 tuổi, tức Thế Tùng) về tội Giết người, do có kháng cáo kêu oan, những lần nhận tội là do bị ép cung, đánh đập.
Trong lần xét xử này, tòa phúc thẩm triệu tập 24 người làm chứng, điều tra viên chính của vụ án - ông Dương Thế Bình (Công an huyện Cư M'gar) và Phan Thanh Cường (Công an tỉnh Đăk Lăk)...
Cái chết của bé gái
Theo bản án sơ thẩm, ngày 18/1/2006, Tưởng Đăng Thế sau cuộc nhậu đã chở Trần Đình Cát về nhà anh này ở thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, ngủ. Khoảng 14h, Thế tỉnh dậy, nghĩ nhà anh Trần Phi Hùng (cách nhà Cát khoảng 450 m) mới bán bắp chắc có tiền nên nảy sinh ý định lấy trộm.
Thế sau đó đi bộ đến nhà anh Hùng, thấy cửa chính đóng, bèn vòng ra phía sau. Lúc này, cháu Trần Thị Kim Hồng (con anh Hùng, 13 tuổi) đang nhặt củi gần bể nước, thấy Thế liền nói: "Sao chú vào nhà lại đi cửa sau, cháu về mách bố mẹ là chú vào lấy trộm".
Sợ bị lộ, Thế bịt miệng bé gái, kẹp cổ và kéo ra vườn cà phê cách nhà khoảng 50 m. Nạn nhân hoảng loạn, vùng vẫy, anh ta bóp cổ và dùng đá đập vào đầu cháu bé đến bất tỉnh. Gây án xong, Thế lột quần bé gái để bên cạnh nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Sau đó, Thế quay về nhà Cát ngủ tiếp.
Khoảng 15h, mẹ bé gái về nhà không thấy con, đi tìm thì phát hiện cháu Hồng nằm bất tỉnh trong vườn cà phê sau nhà. Được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong vào khuya cùng ngày do vết thương quá nặng.
Kết luận giám định pháp y xác định cháu Hồng tử vong do đa thương tích ở sọ não, cổ, ngực.
Ngoài xác định hành vi của Thế, cơ quan điều tra cũng ghi nhận, hôm xảy ra án mạng Lê Nam Tuấn (ngụ cùng xã) có hai lần đi qua nhà nạn nhân. Ngày 23/1/2006, cơ quan điều tra nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Loan tố giác Thế là người giết cháu Hồng. Ba hôm sau Thế khai nhận nội dung hành vi phạm tội của mình.
Hơn hai năm sau, ngày 4/7/2008, TAND tỉnh Đăk Lăk đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Tưởng Đăng Thế mức án chung thân về tội Giết người. Ngày 26/11/2008, TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đến năm 2018, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị giám đốc thẩm hai bản án trên.
11 điểm 'mờ' khiến cả hai bản án bị hủy
Tháng 9/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra 11 điểm mâu thuẫn, thiếu sót và vi phạm tố tụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định các tình tiết khách quan của vụ án và xem xét, đánh giá về trách nhiệm hình sự của bị cáo; tòa hai cấp đã kết án Thế tội Giết người là "chưa đủ căn cứ vững chắc".
Cụ thể, quá trình điều tra, Thế có 12 lời khai. Trong 7 lời khai nhận tội (đều do điều tra viên Dương Thế Bình, Phan Thanh Cường lấy lời khai) nhưng bị can chưa thống nhất về tuần tự thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể: Thế khai về hành vi đánh cháu Hồng, có lúc ném đá vào đầu bị nhân, lúc thì khai thả hòn đá rơi tự do; bị can khai lột quần lót bé gái màu trắng, song kết quả khám nghiệm hiện trường ghi nhận chiếc quần lót này màu xanh lơ.
Đối với 5 lời khai không nhận tội (có mặt luật sư hoặc kiểm sát viên), Thế cho rằng mình bị điều tra viên đánh đập, ép cung, bắt nhận tội giết cháu Hồng. Xem xét nội dung này, đoàn công tác liên ngành kiểm tra hồ sơ của Thế thì thấy ngày 12/4/2006, cán bộ trại tạm giam sau khi trích xuất Thế đi hỏi cung trở về buồng giam đã phát hiện việc Thế bị đánh, cơ thể có thương tích nên đã lập biên bản sự việc.
Ngày 15/5/2008, VKSND tỉnh Đăk Lăk có công văn kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra khắc phục những vi phạm tố tụng của điều tra viên. Như vậy, việc Thế bị điều tra viên đánh khi hỏi cung ngày 12/4/2006 là có thật, nhưng trong các ngày lấy lời khai Thế trước đó (nhất là ngày 25, 26/01/2006), thì Thế có bị đánh đập, ép cung, mớm cung hay không cần phải điều tra làm rõ.
Còn bà Loan - nhân chứng duy nhất thấy Thế thực hiện hành vi phạm tội, lại khai với cơ quan điều tra "nghi ngờ Thế chuẩn bị trộm cắp nên đi theo". Nhưng khi làm việc với đoàn liên ngành, bà Loan nói "vào vườn nhặt hạt cà phê và chứng kiến hành vi của hung thủ". Nhân chứng cũng khai không thống nhất vị trí, khoảng cách chứng kiến hành vi phạm tội của Thế...
Ngoài ra, khi VKSND Tối cao xem xét giám đốc thẩm, Lê Nam Tuấn khai sau khi làm việc công an liên quan đến vụ án, khi về nhà Tuấn bị mẹ la mắng nên ngày hôm sau bỏ xuống tỉnh Khánh Hòa, rồi đến Nghệ An. Một thời gian sau bố Tuấn thông báo "công an đã bắt được hung thủ" rồi ra Nghệ An đón anh ta về nhà.
Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao yêu cầu điều tra và kết luận có hay không việc Tuấn bỏ trốn? Lý do anh này trở về nhà sau khi biết "thủ phạm" là Tưởng Đặng Thế bị bắt? Trước đó Tuấn có mâu thuẫn với gia đình bị hại không? Có động cơ phạm tội không?...
Do đó, TAND Tối cao đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Tiếp tục lĩnh án chung thân
Sau thời gian điều tra, Thế tiếp tục bị truy tố. Ngày 13/7, TAND tỉnh Đăk Lăk mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, bị cáo tiếp tục kêu oan, cho rằng có lời khai nhận tội là do bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung. Còn các luật sư cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, mâu thuẫn...
HĐXX không chấp nhận lời khai của Thế và quan điểm của các luật sư, cho rằng hồ sơ vụ án có đầy đủ căn cứ buộc tội bị cáo. Việc Thế kêu oan và khai mình có chứng cứ ngoại phạm là không có cơ sở, nhằm trốn tránh pháp luật... Từ đó tòa tuyên phạt Thế án tù chung thân về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999. Thế tiếp tục kêu oan.
Trần Hóa