Ký kết được thực hiện giữa Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động TP. Mục đích của mối hợp tác nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, các bệnh truyền qua thực phẩm, nâng cao hiệu quả bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, giảm các vụ ngộ độc.
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cho biết trong năm 2016, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM xảy ra 4 vụ với 311 người bị ngộ độc.
Theo bà Lan, TP HCM đang tiến hành kiểm tra, giám sát thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho công nhân không chỉ của cơ quan quản lý và của cơ sở cung cấp suất ăn mà còn của doanh nghiệp sử dụng lao động. Bên cạnh đó bếp ăn gia đình của công nhân cũng cần được quan tâm vì mức thu nhập thấp khiến họ thường chọn mua thực phẩm ở các chợ chiều, chợ tự phát...
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp TP HCM cho biết, hiện thành phố có 17 khu với 1.167 doanh nghiệp đang hoạt động, 285.768 lao động. Trong đó có 217 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, 364 doanh nghiệp nhận suất ăn sẵn từ các cơ sở bên ngoài và 424 doanh nghiệp hỗ trợ tiền cơm cho người lao động.
Theo ông Năng, hiện việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp còn nhiều bất cập. Do khống chế giá thành nên các đơn vị cung cấp thức ăn chọn mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Vì thế nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và hoạt động sản xuất bị đình trệ.