Hơn một tuần trước, anh Dương Văn Thanh, 41 tuổi, đi ra vườn mai sau nhà ở ấp 4 thì nghe tiếng sột soạt dưới ao nuôi cá tra sát kênh Xáng. Khi kiểm tra, anh phát hiện con cá sấu to ngoi đầu lên mặt nước.
"Lần đầu tiên thấy cá sấu tôi sợ lắm. Nhưng tôi phải nghĩ cách bắt nó để không gây nguy hiểm cho người thân và gia súc, gia cầm", anh Thành nói.
Chờ cho con cá nằm sát bờ ao, anh cùng một người gần nhà đã dùng bình điện để bắt. "Lúc bị chích điện nó giãy mạnh một hồi rồi mới bất tỉnh", anh kể.
Cá sấu dài hơn 2,5 m, 76 kg, có nhiều sọc trắng và vảy chạy dọc thân. Anh dùng dây ràng buộc mõm và tứ chi cá rồi đặt lên xe rùa đẩy vào nhà, xẻ thịt chia cho hàng xóm. Phần đầu và da cá được anh phơi khô để "làm kỷ niệm".
Cách đó chừng 2 km, bà Đặng Ngọc Hà, 50 tuổi, sống tại ấp 7 kể, hơn nửa tháng trước, nhóm thanh niên từng bắt con cá sấu dài hơn 2 m, khoảng 70 kg dưới kênh. "Họ thấy con cá bơi gần ghe nên đã chích điện bất tỉnh, đem lên bờ bán được 2 triệu đồng", bà nói và lo lắng trước tình trạng cá sấu xuất hiện liên tục.
Bà Trần Thị Thanh Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai xác nhận việc người dân phát hiện cá sấu ở ấp 4. Địa phương đang xác minh thêm hai trường hợp bắt được cá ở ấp 2 và 7.
Theo bà Thảo, xã hiện có một công ty và một hộ dân có giấy phép nuôi cá sấu với hơn 3.000 con. "Chúng tôi đã khuyến cáo người dân ở xã sống gần các kênh rạch hoặc đánh bắt cá phải cảnh giác", bà nói và cho biết sẽ phối hợp với kiểm lâm để rà soát lại các cơ sở chăn nuôi cá sấu.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó chi cục Kiểm lâm TP HCM cho biết, đây là cá sấu nước ngọt hay cá sấu xiêm. Khi sống trong môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công người nếu bị kích động. Ông khuyến cáo người dân khi phát hiện cá sấu không nên tự ý bắt giữ mà báo cho lực lượng chuyên trách để xử lý.
Năm ngoái, cá sấu dài 80 cm, nặng 4 kg bơi dưới kênh Tẻ, đoạn qua phường 3, quận 4, được người dân phát hiện và báo cơ quan chức năng bắt giữ.
Đình Văn