Giữa tháng 8, chị Trần Thị Hiến, 43 tuổi, cùng hai hàng xóm ngồi giữa sân nhà ở xóm Làng Cầu, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành phân loại nhện vừa bắt trên rừng về.
Đeo găng tay nhựa, ba phụ nữ chia nhện to bằng ngón tay út và ngón trỏ ra thành hai loại khác nhau đem bỏ vào túi nylon và can nhựa cỡ lớn để nhập cho thương lái. Đây là công việc thời vụ của người dân trên địa bàn mỗi dịp thu về.
Chị Hiến làm ruộng, hết mùa đi trồng và bóc vỏ cây keo tràm cho các chủ rừng trong xã, tiền công một ngày hơn 300.000 đồng. Dịp này, những hôm trời mưa, chị mang theo túi nylon, bì tải nhỏ, can nhựa cùng sào tre dài một mét vào rừng trên địa bàn xã Lăng Thành để bắt nhện đang giăng tơ trên các cành cây tràm.
Nhện có thân đen sọc vàng, dài hơn 2 cm, bề ngang một cm, nhiều chân, sống tập trung dưới các trại nuôi ong trong rừng keo tràm. Người dân địa phương gọi loài động vật này là "nhện mặt quỷ" bởi hình thù kỳ dị. Khoảng 4 năm trước, không ai dám đi bắt vì nghĩ nhện có độc tố, sợ chúng tấn công, ảnh hưởng sức khỏe.
Thời điểm này, nhện đang vào mùa có trứng, khi chế biến làm món ăn có vị béo và bùi, nên người dân tập trung đi bắt trong khoảng 2-3 tháng. Mỗi khi lên rừng, chị Hiến dùng sào dài hơn một mét đưa lên các cây tràm cao quá đầu người, khều nhện rơi xuống đất rồi bắt lại. Trung bình một ngày, nếu may mắn một người bắt được hơn một kg, ít thì 5 lạng, đem bán thu từ 150.000 đến 200.000 đồng.
"Nhện di chuyển chậm, chỉ cần nhanh tay nhanh mắt là bắt được. Tuy nhiên, người dân phải đeo găng tay đề phòng, bởi loài này cắn khá đau. Vết cắn không có nọc độc nhưng sưng tấy vài hôm mới khỏi", chị Hiến nói, cho hay việc đi bắt nhện cũng khá vất vả và nguy hiểm, do địa hình rừng núi hiểm trở, đôi khi bị ngã chấn thương, nhưng bù lại cũng kiếm được tiền trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, 33 tuổi, thương lái ở xã Lăng Thành, cho biết nhện thân to bằng ngón trỏ được thu mua với giá 300.000 đồng một kg, dưới mức này là 100.000 đồng. Giao dịch diễn ra nhộn nhịp vào cuối giờ chiều, mỗi buổi có hơn 10 người dân đến nhập hàng. Trung bình một mùa nhện, chị Ngọc gom được 6 tạ.
Chị Ngọc bảo quản nhện đã thu mua trong tủ lạnh. Khoảng 2-3 ngày, sau khi gom đủ số lượng, chồng chị Ngọc lái xe chở các túi nylon và bì tải đựng nhện đưa ra Thanh Hóa nhập cho các đại lý để xuất sang Trung Quốc làm mồi nhậu.
"Chế biến nhện khá đơn giản. Chỉ cần loại bỏ túi đựng tơ ở bụng rồi rửa sạch, đem bỏ vào chảo chiên giòn, có thể tẩm ướp gia vị rang với lá chanh. Các món ăn chế biến từ nhện luôn được xem là đặc sản. Trước khi đưa đi nhập cho đối tác, tôi thường để lại một ít làm thực phẩm", chị Ngọc nói.
Ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết việc người dân đi bắt nhện bán do truyền tai nhau. Về quản lý Nhà nước thì chưa có cơ quan nào chỉ đạo hay quy định cấm bắt loài này.
"Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo không nên bắt nhện làm thực phẩm. Nhện là mắt xích nằm trong hệ sinh thái, bên cạnh có hại thì vẫn có lợi. Hơn nữa, thực vật và động vật trong tự nhiên rất đa dạng, nhiều cây, con tiềm ẩn độc tố gây hại sức khỏe, không phải loài nào cũng ăn được", ông Hương nói.
Nhện đen sọc vàng hay thường gọi nhện chuối, tên khoa học Nephila pilipes, cư trú trên khắp Đông Nam Á cũng như Châu Đại Dương, thường được tìm thấy trong rừng nguyên sinh, thứ sinh và các khu vườn.