Vừa qua, không ít du khách lo lắng trước sự việc chủ phòng vé Anh Anh (số 66X ngõ Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) bán combo du lịch nghỉ dưỡng (gồm vé máy bay kèm khách sạn) với giá rẻ, sau đó "ôm" hàng chục tỷ đồng bỏ trốn.
Thủ đoạn của chủ phòng vé này là tung ra một số combo du lịch 4 ngày 3 đêm, gồm vé máy bay Vietnam Airlines chặng Hà Nội - Nha Trang và phòng nghỉ ở khách sạn Queen Ann, chỉ với giá từ 1,7 triệu - 2,65 triệu đồng/người. Khi đã xây dựng được niềm tin, chủ phòng vé tuyển dụng cộng tác viên và chia hoa hồng theo mỗi combo. Những cộng tác viên này sẽ nhận hợp đồng, tiền từ khách rồi chuyển về tài khoản của chủ phòng vé.
Một số cộng tác viên của phòng vé cho biết vẫn thực hiện nhiều giao dịch trong tháng 6, các đoàn khách đều khởi hành bình thường. Sang tháng 7, khi khách hàng ngày càng tin tưởng, lượng người mua combo du lịch ngày càng nhiều. Gần đến ngày khởi hành, khách không nhận được code vé máy bay, mã đặt phòng... Họ liên lạc với cộng tác viên, mới được biết chủ phòng vé đã bỏ trốn cùng với số tiền lên tới khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền lớn, cộng tác viên không có khả năng hoàn trả nên đã nộp đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.
"Rõ ràng, chủ phòng vé này đã có chủ đích và kế hoạch từ trước. Họ đánh vào đúng tâm lý ham du lịch giá rẻ của du khách; thêm nữa lại chọn đúng thời điểm cả nước đang thực hiện chương trình giảm giá để kích cầu, tạo lý do dễ dàng thuyết phục khách mua combo", chuyên gia về Lữ hành, thạc sỹ Lê Hòa Hiệp, nói.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, phòng vé Anh Anh không kê khai hay đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch; không có thông báo, báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch. Thanh tra Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an quận Ba Đình, UBND quận Ba Đình để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên có phòng vé "ôm" tiền của khách rồi hủy tour. Trước đó, tháng 9/2019, hơn 90 khách hàng tố cáo Võ Anh Kiệt (37 tuổi, quê Trà Vinh), Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và quảng cáo Golux (Quận 1, TP HCM) vì lừa khách đi du lịch nước ngoài với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Cũng với phương thức lập các trang Facebook, kênh YouTube, website..., công ty này đăng tải những hình ảnh du lịch quốc tế, tư vấn cho người có nhu cầu du lịch nước ngoài dù doanh nghiệp không được cấp phép hoạt động. Hay như tháng 6/2019, hàng trăm khách hàng đã bị lừa tổng gần 3 tỷ đồng sau khi tin vào những lời quảng cáo của công ty Mai Linh Chi (Lê Văn Sỹ, Quận 3, TP HCM) về các tour du lịch giá rẻ, hình ảnh trên Facebook. Các doanh nghiệp này trước đó cũng không có giấy phép hoạt động du lịch, và không thông báo với Sở Du lịch về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Hoan, tổng giám đốc Flamigo Redtour, nhận định những doanh nghiệp lừa đảo tạo niềm tin cho cả đội ngũ cộng tác viên và khách hàng bằng cách thực hiện nhiều tour với giá đã công bố. Ban đầu, thậm chí họ sẵn sàng "bù lỗ" theo kiểu "thả con tép câu con tôm, đánh thẳng vào tâm lý ham rẻ của khách hàng" để tạo hiệu ứng, dễ xây dựng lực lượng giúp việc.
"Khi cá đã cắn câu, chúng sẽ ‘biến mất’ cùng với số tiền rất lớn của khách hàng", ông Hoan nói. Ông cũng cho biết, hiện nay tình trạng bán combo đang diễn ra tràn lan. Vì thế, ngành du lịch phải xác định, loại hình bán gói combo có phải là hoạt động du lịch không. Để từ đó, phân quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý.
Hiện nay, gõ từ khóa "combo du lịch", khách hàng tìm thấy hàng trăm kết quả. TravelHow là một trong những doanh nghiệp chào bán trên Facebook combo 3 ngày 2 đêm giá 2,5 triệu đồng/ người, gồm nghỉ dưỡng tại khách sạn 3 sao The Now Boutique Đà Nẵng và vé máy bay khứ hồi, thời gian kết thúc đến ngày 31/8. Cùng thời điểm, giá phòng của khách sạn 3 sao trên từ 620.000 - 1,4 triệu đồng; giá vé máy bay khứ hồi cho chặng TP HCM - Đà Nẵng của các hãng dao động trong khoảng 2 - 2,5 triệu đồng. Đại diện Sở Du lịch TP HCM khẳng định, doanh nghiệp này không có tên trong hệ thống quản lý.
Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, đánh giá tình trạng các phòng vé máy bay bán kèm khách sạn đã diễn ra từ lâu. Theo phần 1, khoản 9 Điều 3, chương I của Luật Du lịch, hành vi này là vi phạm. Bởi, kinh doanh dịch vụ lữ hành là xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
Tuy nhiên, lâu nay các phòng vé máy bay vẫn bán kèm phòng nghỉ. Họ lách luật bằng cách bán vé máy bay "tặng" phòng lưu trú, nên từ lâu không bị áp chế tài. Vì thế, cả chục năm qua không thấy thanh tra xử lý.
Nhận định về thị trường, chuyên gia du lịch Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng, việc chủ phòng vé "biến mất" với hàng tỷ đồng tiền tour của khách thể hiện rõ hai vấn đề.
"Thứ nhất, quản lý ngành đã thiếu giám sát trong hoạt động du lịch, buông lỏng quản lý nên để những ‘doanh nghiệp ma’ không có giấy phép hoạt động trôi nổi, làm bát nháo môi trường du lịch. Thứ hai, xuất hiện kẽ hở trong Luật Du lịch khi để cá nhân, doanh nghiệp chiếm giữ một số tiền rất lớn trong một thời gian mà không thực hiện các nghĩa vụ", ông Lương nói.
Chuyên gia này đề xuất, song song với việc đẩy mạnh giám sát để thanh lọc môi trường du lịch, các nhà chức trách cũng cần điều chỉnh luật pháp, phân quyền giám sát để kịp thời xử lý.
Từ những sự việc xảy ra, Tổng cục Du lịch đã đề nghị Sở quản lý Du lịch các địa phương rà soát hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp dịch vụ kém chất lượng, làm giảm giá trị chương trình du lịch và mất lòng tin của du khách.
Để tránh các trường hợp "mất tiền oan", các chuyên gia du lịch khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông thái: tìm hiểu kỹ chương trình, giá tour, thậm chí cả đơn vị tổ chức trước khi đặt dịch vụ.
Nguyễn Nam