Bà Quảng Thị Kim Hoa, người vừa bị bắt giữ vì có những hành vi bạo hành với trẻ, đã trông 7 trẻ em trong khoảng 10 m2. Không gian giữ trẻ vốn tối om, càng thêm âm u bởi ánh sáng lập lòe những cây nhang điện trên chiếc bàn thờ nằm giữa phòng. Chăn gối đã xỉn màu của các cháu nhỏ để bừa bãi trên ghế sofa. Mọi sinh hoạt ăn uống, vui chơi của gần 10 cháu bé đều diễn ra ngoài sân.
Thấy có người lạ, Huyền Trang, con của chị Quảng Thị Kim Ngà, cháu ruột bà Hoa, co rúm người, tìm cách trốn vào trong nhà. Cô bé này từng bị bà Hoa túm tóc giật ngửa ra đằng sau và liên tục hất tô cháo lên cằm trong phóng sự của đài truyền hình. Gần 6 tuổi nhưng Trang rất nhỏ bé, xanh xao. Nghe hỏi chuyện, em hầu như chỉ gật hoặc lắc đầu, nước mắt rơm rớm.
Bé Trang, ngoài cùng bên phải, rơm rớm nước mắt khi nghe hỏi về bà Hoa. Ảnh: Đ.Q. |
Chị Ngà phải dỗ dành, bé Trang mới mếu máo kể về bà Hoa: "Lần nào con ăn chậm, bà Út (tên thường gọi của bà Hoa) cũng uýnh con. Bà Út hay tét vào mặt, con không thích bà về đút cơm nữa”.
Cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Oanh, tại phường Long Bình, cũng nhận nuôi 5 trẻ, nhỏ nhất là 6 tháng tuổi. Trong căn phòng hơn 10m2, vào giờ nghỉ trưa 17/1, các cháu nằm la liệt trên những chiếc võng dù. Kế tiếp là phòng bếp ngổn ngang thìa, bát chưa rửa và quần áo bẩn của trẻ.
Trong lúc bà Oanh loay hoay thay quần áo cho 1 cháu trai, thì một bé khác chừng 2 tuổi cầm chiếc bô chạy vung khắp nhà. Cả lớp học có ba chiếc xe dành cho trẻ tập đi, vứt ngổn ngang ngoài sân. Không có đồ chơi, các cháu bé nhặt vỏ hộp bánh, cạnh sắt hoen ố, gõ ình ình thay trống.
Trẻ ngủ trưa tại nhóm trẻ của bà Oanh, phường Long Bình. Ảnh: Đ.Q. |
Bà Oanh cho biết làm nghề giữ trẻ được 3 năm, thù lao là 300.000 - 400.000 đồng một cháu. Khi mở lớp có đầu tư đồ chơi nhưng các cháu "phá" hết nên không mua nữa. Đồ ăn do gia đình trẻ tự chế biến, tới bữa, bà Oanh chỉ hâm nóng lại và cho các cháu ăn.
“Tôi trông giữ dựa theo kinh nghiệm nuôi con hồi trẻ chứ làm gì có chuyên môn. Một mình loay hoay cũng cực lắm. Chẳng may bé nào bệnh nặng thì phải nhờ hàng xóm chở vào viện rồi báo cho cha mẹ chúng, còn tôi phải trông các cháu khác”, bà Oanh nói.
Còn nhà 99A, khu Long Điền, phường Long Bình Tân nằm cạnh con đường đất, bụi tung mịt mù theo bánh xe qua lại, hiện trông giữ tới 20 trẻ. Giờ tan lớp các cháu đứng ôm hàng rào B40 han rỉ, mắt thẫn thờ nhìn người qua đường, ngóng ba mẹ tới đón.
Chủ nhóm trẻ là bà Trần Thị Ngân, 31 tuổi, quê Thanh Hóa, mở lớp từ cuối năm 2004, học phí từ 200.000 - 250.000 đồng. Mọi sinh hoạt của nhóm trẻ hầu như chỉ diễn ra trong căn phòng chừng 10 m2 và khoảng sân xi măng trước mặt. Vào giờ nghỉ, bà Oanh ghép 2 tấm nệm cho các cháu ngủ chen chúc tại căn phòng này.
Hầu hết, mọi sinh hoạt của nhóm trẻ của bà Ngân, phường Long Bình Tân đều diễn ra ngoài sân. Ảnh:Đ.Q. |
Bà Ngân học hết lớp 10, chưa từng bị kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn kể từ khi mở lớp. “Ở ngoài quê, em cũng trông giữ trẻ như thế này, có thấy ai nói gì đâu. Các cháu ở đây đa số là con công nhân nghèo, em lấy công làm lãi giúp họ thôi”, bà Ngân nói.
Giải thích vì sao lớp học không có đồ chơi, chủ nhóm trẻ Trần Thị Ngân chống chế "sợ tranh giành đồ đánh nhau nên không trang bị".
Theo đại diện một số UBND phường tại Thành phố Biên Hòa, nhóm trẻ tự phát lập ra một cách bát nháo, chính quyền địa phương khó quản lý hết.
"Theo phản ánh của người dân chúng tôi biết nhiều nhóm trẻ tự mọc lên nhưng khi tới kiểm tra thì đã giải tán. Phần lớn phụ huynh gửi con với danh nghĩa là "nhờ trông" nên chúng tôi khó can thiệp", bà Lê Kim Định, cán bộ phụ trách dân số, trẻ em phường Long Bình, nói.
Ghi nhận của VnExpress, hầu hết điểm giữ trẻ tự phát tại Thành phố Biên Hòa đều tận dụng cơ sở vật chất của gia đình. "Cô giáo" những lớp này phần đông là lao động phổ thông, người nghỉ hưu, nội trợ... trông trẻ để tăng thu nhập. Các nhóm trẻ tập trung nhiều tại địa bàn có khu công nghiệp như phường Long Bình, Long Bình Tân và xã Hóa An.
Ông Trần Thanh Quang, Phó phòng giáo dục Thành phố Biên Hòa cho biết, toàn thành phố có gần 25.000 trẻ tuổi mầm non, nhưng chỉ có 32 trường công lập, tư thục và 120 nhóm trẻ gia đình được cấp phép. Riêng phường Long Bình, Khu công nghiệp Biên Hòa II, có trên 6.000 trẻ nhưng chưa có trường mầm non công lập. Ngành giáo dục địa phương chưa thống kê được số nhóm trẻ tự phát trên địa bàn.
Theo ông Quang, phần đông trẻ gửi tại các nhóm giữ trẻ trên là con em công nhân, lao động nghèo. Nhiều cháu phải đi học theo giờ tăng ca của cha mẹ, từ 5h - 22h. Trao đổi với VnExpress, Phó phòng giáo dục thành phố Biên Hòa Trần Thanh Quang cho biết, không ít lần đoàn kiểm tra của Phòng giáo dục bị các nhóm giữ trẻ tự phát bất hợp tác, có thái độ chống đối.
"Nếu các gia đình không có điều kiện gửi con tại trường công lập thì nên lựa chọn những nhóm trẻ được cấp phép. Dù sao ở những điểm này, chủ cơ sở và giáo viên cũng được tập huấn những lớp ngắn hạn", ông Quang nói.
Phòng giáo dục thành lập 3 đoàn kiểm tra rà soát thực trạng nhóm trẻ tự phát trên địa bàn. Còn bà Phạm Thị Tuyết, chủ nhiệm Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em thành phố cho biết, sẽ phối hợp với phòng giáo dục hướng dẫn các nhóm trẻ làm đúng quy định.
Lan Hương – Đức Quang