Bà Trần Thị Bích Liên, 55 tuổi, mang bao tay, chân đi tất, giày dép bảo hộ, cầm chiếc rổ nhựa tiến về bãi đá lấp xấp nước. Bà ngồi xổm, dùng một thanh sắt dài 20 cm, rộng 4 cm được uốn cong phần đầu và dùng lực cánh tay cào bới.
Sau lớp đá cuội bằng nắm tay, kế đến lớp cát là những con nghêu to bằng ngón tay cái. Bà Liên làm từ 5h cho đến chập tối, được hơn 3 kg nghêu. "Bắt nghêu vất vả, người ướt sũng, da tay nhăn nheo", bà Liên nói.
Khác với bà Liên, bà Hồ Thị Lan tìm đến chỗ nước sâu gần nửa mét. Người phụ nữ 60 tuổi dùng một kính lặn đeo vào mắt, mỗi lần bắt nghêu bà ngụp xuống. "Nghêu sống ở vùng nước mặn, thường ẩn mình dưới lớp bùn cát sâu vài cm nên khi lặn xuống, tôi phải cào dưới lớp đá, cát bùn để bắt", bà Lan cho hay.
Bằng nghiệm hơn 30 năm mưu sinh trên bãi đá, bà Lan nhanh chóng phát hiện nơi nghêu ở. Mỗi lần ngụp xuống nước khoảng 30 giây, bà ngoi lên thở, tay cầm những con nghêu cho vào chiếc thau nhựa được nối một chiếc dây đi theo người.
Trên bãi đá rộng khoảng 10 hecta xen lẫn bùn cát nằm ở thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải, mỗi ngày có hàng chục phụ nữ như bà Liên, bà Lan bắt nghêu. Công việc này tùy thuộc vào con nước, thường diễn ra từ tháng 2 đến 8 âm lịch. Giữa tháng từ ngày 12 đến 18 và cuối tháng 27 đến 5 nước cạn, các ngày còn lại bãi đá ngập nước sâu gần 2 m, không thể khai thác.
Sau một buổi cào nghêu, dù đã đeo găng, tất bảo hộ, bàn tay của những người phụ nữ vẫn trắng bệch, nhăn nhúm vì ngâm nước lâu. Nhiều người bị vỏ hàu, đá sắc nhọn cứa đứt găng tay, chảy máu.
Bắt nghêu cũng trở thành nghề giúp người dân xã đảo có thêm thu nhập những ngày nông nhàn. "Mỗi buổi ra bãi đá, tôi bắt được khoảng 3 kg nghêu, thu về 150.000 đồng", bà nói Lan nói và cho biết những người có sức khỏe, lặn giỏi thì mỗi ngày bắt được hơn 5 kg, thu về hơn 200.000 đồng.
Nghêu thường được người dân địa phường chế biến thành nhiều món ăn như hấp sả, luộc lấy nước và ruột nấu canh, nấu cháo...