"Sao không đọc tin nhắn? Cứ đợi đấy" - "người bạn" to tiếng với một nữ sinh trước khi dập máy. Nữ sinh này nhận được lời mời vào nhóm chat, nơi mà những "người bạn" đang cạnh tranh xem ai có thể cư xử tàn nhẫn với em nhất.
Đó là nội dung mô phỏng trên Cyberbullying Vaccine - một ứng dụng di động của Hiệp hội các gia đình có con là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Toàn bộ trải nghiệm trên ứng dụng chỉ là sự tái hiện, nhưng nỗi đau là bi kịch đời thực của nạn nhân.
Kết quả nhiều khảo sát gần đây tại Hàn Quốc cho thấy xu hướng bắt nạt trên mạng đang ngày một gia tăng ở thanh thiếu niên.
Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc hôm 17/3 công bố kết quả một khảo sát trên hơn 9.600 học sinh từ tiểu học đến THPT ở Hàn Quốc về vấn đề này. Hơn 40% học sinh cho biết từng "trải nghiệm" bạo lực mạng với tư cách là thủ phạm, nạn nhân, hoặc cả hai. Con số này đã tăng 12,4 % so với năm ngoái.
Lạm dụng bằng lời nói là dạng thức phổ biến nhất của bắt nạt trên mạng, chiếm hơn 33%, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các dạng thức khác gồm vu khống (16,1%), theo dõi (7,7%) và quấy rối tình dục (6,1%).
Khảo sát hàng năm của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy tình trạng tương tự: Những kẻ bắt nạt sử dụng lời nói nhiều hơn bạo lực thể chất để gây đau đớn cho nạn nhân.
"Tôi nghĩ không nhiều đứa trẻ gây ra nỗi đau thể xác rõ rệt cho những đứa trẻ khác, mà chửi bới và lăng mạ nhiều hơn. Rất khó để chứng minh bạo lực dạng thức này do nó không để lại vết bầm hay vết sẹo trên cơ thể", Lee, một sinh viên 20 tuổi, chia sẻ.
Lee cũng cho rằng nhiều học sinh đã mất niềm tin vào khả năng bảo vệ các em của nhà trường. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, 17,3% nạn nhân không tố cáo vì nghĩ rằng "sẽ chẳng có tác dụng gì". Số liệu của Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc năm 2022 cho thấy có tới 35% trên tổng số gần 40.000 vụ bắt nạt bằng lời nói đã báo cáo nhưng chưa được giải quyết.
Kết quả khảo sát của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc còn thể hiện một vòng luẩn quẩn trong vấn đề bạo lực mạng. Gần 80% học sinh tham gia vào các vụ bạo lực mạng cho biết trước đó từng là nạn nhân. Nguyên nhân lớn nhất là để trả thù.
Nghiên cứu cho thấy bắt nạt trên mạng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ của thanh thiếu niên.
Năm ngoái, một nghiên cứu của Mỹ chứng minh rằng thanh thiếu niên từng là mục tiêu của bạo lực mạng dễ có ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Sunchon và Đại học Yuhan cũng cho thấy kết quả tương tự. Hơn 54% sinh viên bị bắt nạt nghĩ đến việc tự tử, 13% trong số đó thật sự hành động.
Gần đây, tiếng vang của loạt phim Netflix "The Glory" (tựa Việt: Vinh quang trong thù hận) và tranh cãi liên quan đến cáo buộc bắt nạt của con trai cựu ứng cử viên đứng đầu Cơ quan Điều tra quốc gia khiến Hàn Quốc một lần nữa hướng sự quan tâm đến nạn bạo lực học đường, ở cả trường học và không gian mạng. Bộ Giáo dục nước này thông báo sẽ đưa ra các biện pháp mới nhằm phòng, chống bạo lực học đường trong tháng tới.
Phương Anh (Theo Korea Herald)