Thực tế, cho dù là người bắt nạt hay bị bắt nạt từ những ngày đi học thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy đứa trẻ có khả năng mang theo vũ khí hoặc tham gia vào các hoạt động bạo lực nguy hiểm hơn.
Các chuyên gia ước tính rằng năm ngoái, có khoảng 3 triệu học sinh Mỹ bị thương trong các cuộc đánh nhau và 1,7 triệu em là những kẻ chuyên gây rối. Hơn nữa, khoảng 2,7 triệu học sinh thường xuyên mang vũ khí, trong đó gần 2 triệu mang vũ khí đến trường.
"Không nên coi bắt nạt là một hành vi bình thường ở lớp trẻ. Cũng như lượng cholesterol và huyết áp cao là dấu hiệu cảnh báo của bệnh tim, bắt nạt là dấu hiệu của các hành vi bạo lực khác", tiến sĩ Tonja Nansel, đứng đầu nghiên cứu, nói.
Nghiên cứu dựa trên cuộc khảo sát 16.000 học sinh trường tư và trường công, từ lớp 6 đến lớp 10. Những trẻ được coi là bị bắt nạt nếu bị một học sinh hoặc một nhóm bạn khác nói hoặc làm điều gì đó không dễ chịu, hoặc bị trêu thường xuyên.
Kết quả cho thấy tổng cộng 23% nam và 11% nữ mang vũ khí đến trường, thường xuyên tham gia các cuộc đấu đá và bị thương do đánh nhau. Trong đó những kẻ bắt nạt có các hành vi bạo lực nhiều nhất như tham gia vào hơn 4 cuộc đấu đá trong năm ngoái, phải điều trị các vết thương do đánh nhau và mang theo vũ khí trong vòng 30 ngày trở lại đây. Tuy vậy, những trẻ bị bắt nạt cũng có các hành vi bạo lực cao hơn những em chưa bao giờ tham gia vào hành động bắt nạt.
"Đứa trẻ bị bắt nạt nhận được thông điệp rằng thế giới không phải là một nơi an toàn và nó không thể tin cậy người khác. Điều này sẽ dẫn đến các hành vi liên quan tới bạo lực", Nansel nói.
Vị trí bắt nạt cũng ảnh hưởng tới việc học sinh đó có mang vũ khí hay không. Khi việc bắt nạt xảy ra ngoài trường học, do không có sự giám sát và bảo vệ của người lớn, khả năng lạm dụng bạo lực cũng gia tăng.
Giáo sư tâm lý Nancy Guerra tại Đại học California cho biết điều đáng lo ngại nhất là việc học sinh mang vũ khí đến trường. Bà cho rằng các nhà trường cần phải có những chính sách cấp bách ngăn chặn việc này.
Minh Thi (theo Reuters)