Người gửi: Lê Hồng Thắng
Tôi đọc bài "Bắt mạch nền giáo dục Việt Nam" của bạn Vũ Mạnh Tiến và hoàn toàn tán thành với đánh giá: “Về tổng thể, việc cải cách giáo dục phổ thông những năm qua đã đi chệch hướng”. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy anh Tiến đề cập tới nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh trầm kha đó. Nếu không tìm được nguyên nhân, đề xuất táo bạo này dù hay đến mấy cũng không ai dám áp dụng.
Theo tôi, nguyên nhân chính là chúng ta chưa có quan điểm và xác định mục tiêu giáo dục đúng đắn. Chúng ta từng nhấn mạnh: "Vì hạnh phúc mười năm phải trồng cây, vì hạnh phúc trăm năm phải trồng người". Ý nghĩa, vai trò giáo dục con người cao cả, sâu xa là vậy nhưng hãy so sánh việc trồng cây và trồng người hiện nay.
Người nông dân hẳn không thể có trình độ cao như những kỹ sư trồng người, nhưng họ trồng cây rất khoa học, họ luôn biết ngày nào phải xuống giống, ngày nào phải tưới nước bón phân, tưới nhiều quá có khi bị úng cây sẽ chết, bón nhiều quá, không đúng thành phần sẽ có thể thất thu... Khi tạo nên mảnh đất mầu mỡ, họ có thể trồng nhiều loại cây tươi tốt, nhưng họ không bao giờ hoang tưởng trên mảnh đất đó cây cà chua sẽ biến thành cây khoai tây.
Còn chúng ta trồng người thì sao? Có lẽ xuất phát từ luận điểm: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã dày công xây dựng khái niệm, đặc trưng đặc điểm của con người mới, gắn cho nó nào hồng nào chuyên. Rồi để có "hồng" thì phải thông làu lịch sử, văn học đông tây kim cổ... để có "chuyên" thì phải trên thông thiên văn dưới tường địa lý, phải trang bị toán học cao cấp, vật lý lượng tử, sinh học phân tử...
Chúng ta đã quá tham vọng muốn biến nền giáo dục thành một dây chuyền công nghệ mà đầu vào là những đứa trẻ và đầu ra là những con người hoàn hảo với những đặc trưng đặc điểm do chúng ta nghĩ ra. Vì thế mới có chuyện dạy cho học sinh mẫu giáo biết đọc biết viết, biết làm toán, công khai thi đầu vào lớp 1, đưa chương trình đại học xuống bậc phổ thông, đua nhau vào trường chuyên lớp chọn và bao nhiêu chuyện phi lý khác mà báo chí dư luận xã hội bức xúc lên tiếng.
Sai lầm trên ngấm vào máu vào thịt của toàn xã hội. Một học sinh xếp loại trung bình là nỗi thất vọng của thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ... và dường như cánh cửa vào đời đã đóng sập trước học sinh đó.
Mấy ai suy nghĩ rằng biết đâu những học sinh trung bình kia lớn lên có thể trở thành nghệ nhân có bàn tay vàng? Một nghệ nhân cần kiến thức về phân tích tác phẩm văn học hay cần kiến thức phân tích tác phẩm mỹ thuật hơn? Mớ kiến thức khổng lồ trong 12 năm học phổ thông giúp gì cho tài năng và thành công của họ?
Đã khi nào các nhà cải cách giáo dục tự hỏi những người nông dân từng chế ra máy bay trực thăng, máy gặt đập liên hợp hoặc những doanh nhân, chủ trang trại thành đạt hiện nay có bao nhiêu phần trăm kiến thức ở bậc phổ thông, ở các trường chuyên lớp chọn? Bao nhiêu phần trăm có giải nọ giải kia? Bao nhiêu phần trăm có học lực khá và giỏi? So sánh một nghệ nhân có bàn tay vàng với một kỹ sư bình thường ai có ích cho xã hội hơn ai?
Trả lời được những câu hỏi đó, chúng ta sẽ thấy ngay quan điểm, mục tiêu giáo dục của chúng ta mang tính duy ý chí nặng nề. Đây là vấn đề cơ bản, là nền móng chi phối toàn bộ nội dung, phương pháp và cách đánh giá chất lượng giáo dục nhưng chưa hề được cải cách.
Quan điểm giáo dục đúng phải xuất phát từ con người, tôn trọng con người. Hãy bắt chước người nông dân để tạo nên mảnh đất giáo dục mầu mỡ, trên đó mỗi trẻ em có cơ hội được học tập, rèn luyện không giới hạn, phát triển hết năng lực vốn có của mình, khơi dậy óc sáng tạo, khả năng phản ứng tích cực trước mọi tình huống. Đồng thời, trang bị cho các em những kiến thức thiết thực để tự tin vững bước vào đời và làm nền tảng cho quá trình tự học, tự tu dưỡng suốt đời sau này.
Nếu các nhà cải cách giáo dục biết nghiêm túc học tập người nông dân thì họ sẽ biết xây dựng nội dung thế nào là vừa đủ, phương pháp dạy và học thế nào sẽ phù hợp và cách đánh giá như thế nào vừa chính xác, vừa khoa học.
Bạn đánh giá thế nào về bài viết này? Gửi ý kiến tại đây.