Guardian dẫn báo cáo của Ngân hàng TSB (Anh), ước tính trong năm 2023, người dùng ở nước này có thể mất hơn 320 triệu USD vì bị lừa trên Facebook, Instagram, WhatsApp. Còn ngân hàng Lloyds cho biết có hai phần ba số vụ lừa đảo là từ việc mua sắm trực tuyến trên Facebook hoặc Instagram. Cứ 7 phút lại có thêm một nạn nhân trên các nền tảng của Meta.
Một người dùng Facebook nói cô bị dụ đầu tư hơn 90.000 USD qua mạng xã hội. Đây không chỉ là tiền tiết kiệm mà còn là khoản cô đi vay mượn. Nhiều nạn nhân khác nói họ bị lừa khi đặt hàng qua quảng cáo trên Facebook.
Trên WhatsApp và Messenger, trò lừa mạo danh bạn bè, người nhà nhờ chuyển tiền xuất hiện tràn lan. Bà Valerie, 73 tuổi, bị kẻ xấu đóng giả con trai và lừa gửi 2.500 USD. Sau khi biết sự thật, bà suy sụp và nói đó là sự nhục nhã "không bao giờ vượt qua được".
Theo TSB, 80% vụ lừa đảo họ xử lý năm ngoái bắt nguồn từ nền tảng của Meta. Nhiều nạn nhân phản ánh việc báo cáo sau khi bị lừa đảo cho nền tảng vô cùng khó khăn. Họ chỉ nhận được câu trả lời tự động, thậm chí không có bất kỳ phản hồi nào.
Lucy Powell, nghị sĩ của thành phố Manchester, cho rằng các ông chủ của nền tảng mạng xã hội đã "buông thả quá lâu" trước vấn nạn lừa đảo online. Chính phủ cũng phải có trách nhiệm vì chậm trễ đưa lừa đảo qua mạng vào dự luật an toàn trực tuyến và kéo dài thời gian thông qua luật.
"Đã đến lúc họ ngừng cúi đầu trước quyền lợi bản thân và đứng lên vì người dùng và nạn nhân", bà nói.
Robin Bulloch, CEO ngân hàng TSB, nhấn mạnh: "Thật đau lòng khi chứng kiến các gia đình mất đi những khoản tiền có thể giúp họ cải thiện đời sống chỉ vì Meta không có đủ các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dùng".
Các ngân hàng TSB, Barclays, Nationwide và Starling tại Anh đang đối mặt với lượng hóa đơn hoàn trả khổng lồ và họ yêu cầu Meta phải đóng góp cho các chi phí liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Meta vẫn đang kiếm được số tiền khổng lồ từ quảng cáo. Trong năm 2022, chỉ riêng với Facebook, hãng thu về 4,2 tỷ USD quảng cáo, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước.
Matt Hammerstein, CEO ngân hàng Barclays, kêu gọi các công ty công nghệ nghiêm túc ngăn chặn tội phạm trực tuyến và đóng góp hoàn tiền cho nạn nhân theo nguyên tắc "kẻ nào tiếp tay thì phải đền tiền".
Ngân hàng Starling nhận định Facebook là "công cụ lừa đảo lớn nhất", tiếp theo là Instagram. Tháng 12/2021, ngân hàng này đã rút tất cả quảng cáo trả phí khỏi Meta. "Chúng tôi thất vọng vì trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng chỉ thuộc về các ngân hàng, trong khi những nền tảng xã hội, bao gồm của Meta, thu lợi từ tội phạm nhưng nằm ngoài tầm với của pháp luật", đại diện ngân hàng nói.
Trong khi đó, Meta tuyên bố: "Chúng tôi không muốn bất kỳ ai trở thành nạn nhân, chúng tôi có hệ thống ngăn chặn lừa đảo, nhà quảng cáo dịch vụ tài chính cũng phải được ủy quyền. Chúng tôi đã chạy chiến dịch nâng cao nhận thức của người dùng về cách phát hiện lừa đảo". Đại diện công ty nói lừa đảo là một vấn đề toàn ngành, không chỉ riêng mạng xã hội.
Huế Huyễn (theo Guardian)