Anh và người vợ trước chia tay xong thì chị ta đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi đến với nhau, tôi rất yêu anh nhưng bây giờ thực lòng tôi cũng băn khoăn không biết chồng có yêu mình hay chỉ vì muốn "lấp chỗ trống".
Sống với anh, chúng tôi có một đứa con chung. Hai con riêng của anh mặc dù tòa án phán quyết một đứa ở với mẹ, một đứa ở với bố nhưng do mẹ chúng đi xa nên chồng tôi đưa cả đứa em về nuôi.
Sau 3 năm đi xuất khẩu lao động, vợ cũ của anh về nước. Chuyện đáng ra không có gì để nói, song tôi đi làm xa nhà cả tháng mới về một lần còn chị ta thì ở gần. Rồi chị ấy đưa đứa con nhỏ về nuôi. Từ đó tôi và con tôi như là người thừa trong gia đình nhà chồng. Cả chồng và gia đình chồng luôn sống khách sáo, lừa dối tôi để anh đi lại với bên kia, còn chị ta đi về nhà chồng tôi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Tôi đã nói với chồng "Nếu anh cảm thấy cần thiết thì đón cả đứa nhỏ về nuôi còn không thì thôi, không thể cứ lấy cớ để lừa dối em như thế được". Tôi bắt gặp anh nhắn tin, gọi điện cho vợ cũ, anh cãi là không phải, không biết. Tôi đưa ra bằng chứng thì anh bảo tôi phải sống thoáng chứ đừng ích kỷ.
Tôi không muốn chồng mình qua lại với vợ cũ có phải là ích kỷ không? Tôi muốn chồng mình chấm dứt với quá khứ để sống cho hiện tại có gì sai? Tôi mệt mỏi quá vì càng ngày chồng tôi càng muốn kiếm cớ để không gặp mặt mẹ con tôi nữa. Tôi thương con lúc nào cũng đòi bố mà ở xa thế này tôi không thể đưa con đi về thường xuyên được vì nó còn bé quá. Mong hãy giúp tôi có giải pháp nào để tình hình tốt đẹp hơn được không? - (Thảo Nguyên).
Trả lời:
Chào Thảo Nguyên,
Tôi rất hiểu những tâm tư, lo lắng của chị khi chồng mình đang có cơ hội gần lại người vợ cũ. Chính chị cũng hiểu đâu là lý do khi tâm sự rằng: “Chuyện đáng ra không có gì để nói nhưng tôi đi làm xa nhà cả tháng mới về được một lần, còn vợ cũ của anh ấy thì ở gần”.
Chị thử nghĩ xem, chồng chị có vợ (là chị) mà cũng như không? Chị đi một tháng mới về (không biết về được bao lâu rồi lại đi) còn đem theo cả con nhỏ. Dẫu biết là chị phải đi làm xa vì kinh tế gia đình, nhưng cứ kéo dài như vậy thì chồng chị sẽ sống với ai, tâm sự lúc buồn vui với ai, chưa kể nhu cầu ân ái vợ chồng sẽ như thế nào... Có thể chị thấy tất cả những nhu cầu đó là “chuyện nhỏ” nhưng rất tiếc người đàn ông lại không nghĩ như vậy.
Ngoài ra xét về bổn phận làm dâu, không biết chị đã chu toàn thế nào. Thiết nghĩ cũng khó cho chị khi đi phải làm xa như thế và mỗi tháng mới về một lần. Người Việt chúng ta có câu “Xa mặt cách lòng”, chị đi nhiều và xa nhà như vậy liệu gia đình chồng chị có dịp gần gũi và hiểu chị không? Từ đó dẫn đến tình trạng họ xem chị “là người thừa trong gia đình”. Tất nhiên đó mới chỉ là cảm giác của chị thôi, chưa biết đúng sai thế nào.
Về việc liên lạc giữa hai người với nhau, chị khó lòng mà cấm cản chồng chị liên hệ với người vợ trước đây, vì ít ra họ cũng có lý do cùng lo cho hai đứa con. Chị thấy chồng nhắn tin hay cuộc gọi điện thoại (chị không nói rõ nội dung liên lạc) nên không vui, nhưng như thế thì cũng khó cho họ khi chị không muốn họ liên lạc, trao đổi với nhau. Biết đâu họ đang bàn về chuyện con cái học hành, dạy chúng nên người và đó là trách nhiệm của cả hai người khi ly hôn.
Chồng chị nói chị cần phải sống thoáng chứ đừng ích kỷ, suy ra cũng có lý. Nếu chị càng làm căng thì đã thấy kết quả nhãn tiền rồi đó. Như trong thư chị viết: “Tình hình càng ngày chồng tôi càng muốn kiếm cớ để không gặp mặt mẹ con tôi nữa”. Đặt chị vào trường hợp của anh, nếu có ai bắt chị đoạn tuyện với quá khứ, trong khi chị còn phải có trách nhiệm lo cho đứa con máu mủ mình đẻ ra kia, chị có thể làm được không?
Hiểu được những vấn đề trên, chị sẽ biết mình cần phải làm gì để tình hình trở nên tố hơn. Theo tôi, việc chị nên cân nhắc đầu tiên là thay đổi công việc hay cố gắng sắp xếp công việc để gần gũi chồng, con và gia đình chồng hơn thì mới mong hâm nóng tình cảm gia đình được. Đó là giải pháp khả thi và hiệu quả. Nếu chị vẫn giữ thái độ hành xử như bây giờ thì không thể thay đổi được gì, thậm chí còn tệ hơn.
Mong chị hãy chủ động đi bước trước vì hạnh phúc gia đình của mình, vì con của chị cũng cần có bố. Chúc chị thành công và có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh
Tác giả triết lý Giáo Dục Thành Nhân