![]() |
Cảnh sát cơ động bao vây nhà hàng Tân Hải Hà để bắt Năm Cam và đàn em. |
Năm Cam bị bắt ngay tại nhà vợ bé của y, nằm trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát cơ động đồng loạt tiến hành phong tỏa 3 địa điểm: nhà hàng Tân Hải Hà (đường Nguyễn Tất Thành, quận 4), quán bar Ca Dao (đường Lý Tự Trọng, quận 1) và một ngôi nhà trên đường Trương Định (quận 3). Cảnh sát cũng bắt được Lưu Tấn Nhơn và 2 tên khác vì tội sử dụng và tàng trữ vũ khí trái phép, che giấu tội phạm. Trước đó, 10 tên trong các băng nhóm giang hồ, tay chân của Năm Cam, đã bị bắt.
Năm Cam có liên quan vụ Dung Hà bị bắn chết?
Việc bắt Năm Cam đã được chuẩn bị từ lâu, nhất là sau khi “trùm” xã hội đen Dung Hà bị bắn chết vào đầu tháng 11/2000. Lúc đó, Dung Hà đang ngồi với 4 người khác trên đường Bùi Thị Xuân thì có một người tiến đến từ phía sau, rút khẩu K59 kề vào mang tai nổ súng. Bà “trùm” chết ngay tại chỗ. Hung thủ bình thản đi bộ về phía đường Cách Mạng Tháng Tám và biến mất.
Không lâu trước khi bị thanh toán, Dung Hà đã hai lần dẫn đàn em đến quậy phá nhà hàng của Năm Cam với ý muốn mở các sòng bạc tại đây. Tuy nhiên, ngay lúc "bà trùm" này bị bắn thì Năm Cam đang ở Mỹ với lý do đưa cháu đi du học, nhằm đánh lừa các băng đảng của Dung Hà và dư luận xã hội.
Sau khi từ Mỹ trở về, giới giang hồ đồn đại: “Anh Năm đã rửa tay gác kiếm”. Nhưng thực tế, ông trùm này đang âm thầm “rửa tiền” qua việc kinh doanh 5 nhà hàng nổi tiếng, trong đó có Tân Hải Hà và tiếp tục tạo thế lực, hoạt động ngầm. Vì vậy, thanh thế của Năm Cam không hề bị suy giảm sau lần phải cải tạo lao động 3 năm, và bị xử phạt hành chính (năm 1995).
Do Năm Cam chỉ đóng vai trò chủ mưu, không trực tiếp ra tay trong các vụ thanh toán hay chơi cờ bạc, lại được nhiều thế lực bảo kê, nên lực lượng công an rất khó bắt giữ. Tuy nhiên, trong số các đối tượng bị bắt, tên trực tiếp bắn Dung Hà đã khai nhận “làm theo chỉ đạo của anh Năm”.
Thời "oanh liệt" của ông trùm
![]() |
"Ông trùm" Năm Cam. |
Năm Cam sinh 22/4/1947, quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng, thường trú ở 107/38 đường Trương Định, phường 6, quận 3. Xuất thân từ giới giang hồ, trước năm 1975, y từng chỉ huy các tay đàn em chuyên tổ chức các sòng bài.
Ngày 10/6/1964, Năm Cam bị Tòa án Sài Gòn xử phạt 3 năm tù vì tội đánh người gần chết. Sau khi ra tù, y đăng lính chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày thống nhất đất nước, Năm Cam tạm thời rời Sài Gòn về ẩn náu ở các miền thôn dã. Từ năm 1981 đến 1987, y trở về Sài Gòn làm công nhân Xí nghiệp Vận tải đường sông II để chờ thời.
Khi thời cơ đến, Năm Cam tổ chức một sòng bạc khá quy mô ở khu vực hẻm số 148 Tôn Đản, quận 4. Đối tượng tới đây chơi bài phải qua nhiều trạm gác cảnh giới do người của "ông trùm" canh giữ. Sòng bạc này thường xuyên đủ chỗ cho khoảng 20 người, có vệ sĩ canh gác tối ngày. Ngoài việc tổ chức đánh bạc, Năm Cam còn bảo kê cho các trường đá gà, nhà hàng, vũ trường, khách sạn với hơn trăm tay anh chị sẵn sàng đâm thuê, chém mướn.
Chỉ trong vòng 5 năm, từ một kẻ lang thang, Năm Cam trở thành tỷ phú, là “ông trùm của các ông trùm”. Danh tiếng của y có ảnh hưởng rất lớn trong giới giang hồ TP HCM, lan rộng đến các tỉnh miền Tây và cả miền Trung, Bắc. Năm Cam đã tha hóa được một số cán bộ nhà nước ở các ngành, bởi thế, đàn em của y ngày càng lộng hành, xem thường pháp luật.
Bộ Nội vụ và Công an thành phố đã tiến hành xác minh, điều tra 48 đối tượng tội phạm do Năm Cam cầm đầu. Tháng 6/1995, kế hoạch bắt giữ "ông trùm" và đồng bọn được triển khai, lệnh bắt Năm Cam đã được tiến hành.
Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ việc.
(Theo TT, TN)