Đầu tháng chạp, ba gọi điện, giọng mềm mềm: “Năm nay cố gắng về sớm ăn Tết với ba mẹ nha con”. Tôi nghèn nghẹn “dạ”. Tiếng “dạ” thốt lên như một sự kìm nén bấy lâu được giải tỏa. Tắt điện thoại, tôi bật khóc. Con gái mắc phải trọng tội rồi. Quê nhà có bao xa. Những người bên kia bán cầu Tết vẫn bươn bả về với gia đình, với quê hương. Còn tôi, hai năm qua, đành lòng ăn Tết nơi đất khách.
![vuon-rau-cua-ba-1423034794_1423196385.jp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/06/vuon-rau-cua-ba-1423034794-2149-1423207529.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aMN5PyBXiGX9bxIzSdsv9g)
Vườn rau của ba.
Con gái xa nhà. Mười ba năm vẫn chưa thể coi đất khách là quê. Hai cái Tết rồi, vì công việc không thể thu xếp, vì những biến cố của cuộc đời, vì không muốn ba mẹ nhìn thấy bộ dạng thảm hại của kẻ thất bại. Tết đến. Tôi không về. Mẹ gọi điện. Mẹ khóc. Ba không nói gì, chỉ... thở dài.
Xuân năm đó, tôi từ nơi xa, gọi điện chúc sức khỏe ba mẹ, hỏi han tình hình đón Tết ở quê. Những câu chuyện rộn ràng về cái Tết quê như có một phép lạ diệu kỳ, tôi thấy mình đang bay, đang hòa vào không khí tĩnh lặng và náo nức của đêm ba mươi, của những ngày đầu xuân tưng bừng, rộn rã. Sững người trong giây phút, thì ra tôi đang trong mộng tưởng. Giá tôi có thể ùa chạy về nhà, sà vào lòng mẹ, sum họp cùng gia đình, cung chúc tân niên.
Giờ đã hơn nửa tháng chạp rồi. Tôi vẫn bôn ba đất khách. Hơn bao giờ hết, thời điểm Tết đang cận kề, tôi nhớ nhà, nhớ quê. Tôi thèm được hưởng không khí đoàn viên ngày Tết.
Đứng trên đất khách, tôi có thể nhìn thấy xuân đang về trên quê hương, ký ức cồn dậy, rạo rực lòng. Quê hương của tôi là xóm nghèo bên núi Chai. Là cánh đồng lúa mỗi độ vào xuân thì mẹ và chị tất tả cầm nón ra đồng cấy dặm. Là mấy ngày gần Tết người dân nô nức đem nếp đi “bùm” cốm. Là ngôi nhà nhỏ có mẹ tựa cửa chờ con về trong đêm ba mươi. Là những ngày đầu xuân có hát bài chòi rộn rã.
Chao ôi! Xuân về, con gái đặc biệt nhớ vườn rau của ba. Ba thích ăn rau sống với chuối chát non, kèm với miếng thịt ba chỉ luộc. Những ngày cuối đông, khi đã bớt những cơn mưa, khi những tia nắng chuyển mùa ló dạng, ba tôi sẽ gieo hạt, rau lên tươi tốt. Mỗi sáng ba ra vườn bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước. Đêm, ba đem tro rưới lên từng luống rau, ba bảo để ban đêm sâu chui ra gặp tro cay mắt và trốn biệt. Ba chăm lo sửa soạn vườn rau. Mẹ thì bận bịu với cây bưởi bên chái nhà. Mẹ bọc quả bưởi vào bao ni lông, mẹ bảo ong mà chít thì quả không đẹp sởn sơ nữa. Mâm cỗ ngày Tết có quả bưởi vườn nhà cho thơm, cho ấm.
Năm nay nhà mình có đem nếp đi “bùm” cốm không mẹ? Không có con gái ở bên, chắc không ai hối mẹ đi “bùm” cốm rồi. Nhớ ngày nhỏ, con thích nhất là được tò tõ ngồi bên xem mẹ và anh dện cốm. Ngồi hong hóng chờ miếng cốm ra khuôn bị hỏng để được mẹ cho. Năm nay con về, nhà mình chắc rót bánh thuẫn nhiều đúng không mẹ? Cả nhà mình đều thích món bánh đó. Có niềm vui trẻ thơ nào đẹp bằng việc ngồi bên khuôn bánh, cầu mong làm sao những chiếc bánh thuẫn đừng vun tròn nở tai hoa. Thật sung sướng khi được mẹ cho mẻ bánh hỏng. Mùi bột khoai hạ, mùi đường, mùi trứng trộn lẫn vào nhau. Hương vị ngày Tết thật tuyệt. Nghĩ đến đây, con gái muốn khóc vì thèm cốm, thèm bánh thuẫn. Rân rấn nước mắt vì nhớ món bánh nậm mẹ nấu trong mâm cỗ Tất niên. Thèm được ăn mứt gừng, củ kiệu... mẹ ơi!
Mùa xuân của ba mẹ là con cái vui quầy bên mâm cỗ cuối năm, ba bảo vậy. Mùa xuân của con là được ăn những món ngon mẹ nấu. Là được ngồi cùng mẹ canh nồi bánh chưng. Được ăn ngồn ngộn những cọng rau xanh mướt ba trồng. Con nhớ ba thường bảo, không cần nhìn trời nhìn lịch, chỉ cần nhìn vườn rau của ba là biết xuân đang ở đâu. Tết năm rồi con gái gọi điện về chúc Tết ba mẹ, mếu máo hỏi thăm vườn rau có xanh, có mướt, giọng ba lạc hẳn, ba bảo con gái không về ăn Tết cùng, trồng rau bỏ già nên ba không trồng nữa. Ba ơi, con xin lỗi. Con thèm được ra vườn, ngắt những đọt rau xanh non bày trên mâm cỗ mùa xuân để cả nhà cùng vui vẻ bên bữa cơm họp mặt đầm ấm đầu xuân. Xuân này con nhất định sẽ về - hứa với ba mẹ đấy!
Sáng nay ba lại gọi điện hỏi thăm chừng nào về ăn Tết. Đợi con nhé, con sẽ về, nhanh thôi mà. Hễ thấy Tết là nhớ quê, là muốn đoàn tụ cùng gia đình. Hai cái Tết xa nhà, xa quê, hơn ai hết con biết nỗi đau của những ai đón xuân trên đất khách. Bất hạnh thay là xuân tha hương; nỗi bất hạnh còn trên cả điều bất hạnh! Tết không về nhà, Tết sẽ không còn Tết.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |