Cảnh quan vùng nông thôn Eastern Cape ở Nam Phi có một vẻ đẹp ám ảnh, với những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng mái vòm trải dọc các ngôi làng như kéo dài tới bất tận.
Tuy nhiên, tại những ngôi làng này cũng còn duy trì một truyền thống khủng khiếp, đã tàn phá cuộc sống của nhiều trẻ em và làm không biết bao gia đình rơi nước mắt.
Trong những ngôi làng này, các cô gái trẻ, chỉ khoảng 12 tuổi, bị những người đàn ông lớn tuổi hơn bắt cóc về làm vợ. Điều này được chấp nhận như là một phần trong văn hóa truyền thống của người Xhosa nơi đây, và không hề bị mai một trong nhiều thập kỷ qua
Tục Ukuthwala - gọi là "cưỡng dâu" hay "bắt dâu" được sử dụng để biện minh cho hành động bắt cóc các cô gái trẻ. Trong nhiều trường hợp, việc này được sự đồng tình của cha mẹ nạn nhân để đổi lấy một khoản tiền.
Tuy nhiên, một chiến dịch nhằm giáo dục cộng đồng bị cô lập này rằng phải thay đổi hành động trái pháp luật là quan hệ với trẻ vị thành niên và bắt cóc trả tiền, đã được thực hiện và bắt đầu có những kết quả khả quan.
![]() |
Chị Nombasa Gxuluwe đang trò chuyện với những người đàn ông trong làng để giải thích cho họ hiểu rằng việc bắt cóc các cô gái trẻ về làm vợ là trái pháp luật. Ảnh: CNN. |
Chị Nombasa Gxuluwe sinh ra tại Eastern Cape, là nhân viên dự án của Chiến dịch phòng chống Aids toàn cầu (WAC). Chị đã cống hiến hết mình nhằm cố gắng chấm dứt nạn mua bán cô dâu, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em.
Nhiều nam giới từng là thủ phạm bắt cóc cô dâu, như anh Timothy Nyawuse, thì lý do đơn giản là họ không nhận thức được rằng việc làm đó là sai trái.
"Chúng tôi xin lỗi vì chúng tôi không biết mình đã làm trái pháp luật", anh nói với CNN.
Nombasa và nhiều thành viên khác trong tổ chức đã dành nhiều giờ trò chuyện với những người đàn ông trong làng, để giảng giải cho họ hiểu rằng luật bây giờ đã khác.
Vấn đề phức tạp, theo Nombasa, là có một huyền thoại rằng nếu một người đàn ông bị nhiễm HIV ngủ với một cô gái trẻ còn trinh trắng thì sẽ được chữa khỏi bệnh. Và đó là lý do khiến họ săn tìm các thiếu nữ.
Nombasa cho biết, nhiều kẻ bắt cóc là những người đàn ông lớn tuổi hơn, đã góa vợ vì HIV. Sau đó, họ tìm kiếm các "cô dâu trinh nữ" trẻ và cuối cùng cũng lây nhiễm bệnh cho các cô gái.
Truyền thống này bắt nguồn từ các cuộc hôn nhân sắp đặt, nơi mà các phụ huynh hay già làng có tiếng nói định đoạt người mà các cô gái nên lấy làm chồng. Những người sống trong các ngôi làng còn chưa có điện và nước máy này không biết rằng, thế giới hiện đại có thể nhìn thấy những việc họ làm.
Trong một bộ phim tài liệu "Tục cướp dâu - Đánh cắp sự trinh trắng" do Chiến dịch phòng chống Aids toàn cầu thực hiện, một cô gái sống trong làng ở Lusikisiki thuộc Eastern Cape kể về câu chuyện của mình - một nạn nhân của tập tục này:
"Bà hàng xóm gọi tôi tới và hỏi tôi có muốn lấy chồng không. Tôi nói không. Bà ta bảo rằng tôi từ chối họ sẽ bắt cóc và đánh tôi. Đêm hôm sau, bà ấy đến và đưa tôi tới sông. Có 7 người đã đợi sẵn ở đó. Họ bắt tôi đi theo họ tới căn nhà có một người đàn ông đang ở. Người đàn ông đó nói với tôi rằng ông ta đã phải trả một con bò để có được tôi và dù tôi có thích hay không thì cũng phải làm vợ ông ta. Ông ta đã đẩy tôi lên giường và cưỡng bức tôi, dù tôi có van nài thế nào".
Với một số người can đảm dám chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bất hợp pháp của mình, có một nơi để họ trú ẩn. Đó là trung tâm hỗ trợ Palmerton - một ngôi nhà được đặt trong nhà thờ Methodist ở Lusikisiki. Tại đây, các nhân viên xã hội sẽ tư vấn cho các cô gái trẻ và sau đó giúp họ hòa nhập lại với cộng đồng.
Đây là một hành trình không dễ dàng. Nhiều người đã bỏ học từ lâu. Một số đã nhiễm HIV. Số khác thì bị gia đình ruồng rẫy và đổ tội mang tiếng xấu cho bố mẹ vì dám bỏ chồng.
Nombasa nói: "Họ thấy mình như những kẻ nổi loạn, không thể kiểm soát vì không tuân theo những quy định của cha mẹ và cộng đồng nơi mình sống".
Cơ quan điều tra quốc gia ở Nam Phi đang nỗ lực phối hợp với các làng xung quanh KwaCele để tuyên truyền cho người dân hiểu việc thực hiện tập tục này là trái pháp luật. Năm ngoái, có đã 11 nam giới bị buộc tội bắt cóc và có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.
Chị Nombasa cho biết, từ tháng 12/2011 đến nay chưa có thêm trường hợp nào mới được báo cáo. "Có vẻ như chúng tôi đã thắng", chị nói.
Vương Linh