Chiều cuối tháng 8, huyện Phú Ninh và vùng lân cận trời xám xịt, mây đen kéo đến báo hiệu mưa giông. Cơn mưa kéo dài hai tiếng sau đó đã giải nhiệt cho vùng đất vốn chịu nắng nóng cả tháng qua. Đây cũng là thời điểm anh Hiếu, 30 tuổi, trú xã Tam Thái ra đồng bắt ếch. Đồ nghề đơn giản chỉ là chiếc đèn pin đội đầu, túi, áo mưa, thêm chai nước lọc.
Hơn 20h, mưa lất phất, anh Hiếu lái xe máy đến cánh đồng gần nhà dưới chân núi trồng gỗ keo. Khu vực này không có mương nước thủy lợi, trông chờ nước tự nhiên nên chỉ sản xuất vụ lúa đông xuân, còn vụ hè thu bỏ hoang. Khi mưa xuống, các loài ếch, nhái, ễnh ương, chão chuộc, côn trùng... thi nhau kêu. "Ông bà xưa nói quả không sai, con ếch chết ở cái miệng. Chúng ở đâu là phát ra tiếng kêu ở đó", anh Hiếu nói.
Gần đến cánh đồng, anh Hiếu tắt đèn xe máy, bật đèn pin. Ếch ẩn mình sau nhiều tháng mùa khô và bò ra sau cơn mưa giông. Khi gặp ánh đèn, mắt ếch có đốm sáng màu đỏ, khác nhiều loài như nhái, chão chuộc, cóc mắt màu xanh. Thấy động, chúng nhanh chóng trú ẩn. Những con nằm co cụm một chỗ, anh Hiếu bắt dễ, nhiều con lặn xuống nước phải dùng tay mò mới được.
Hơn 20 phút lội qua nhiều đám ruộng nước ngập bàn chân, anh Hiếu bắt năm con ếch bỏ vào bao đựng. "Nhìn cách bắt đơn giản nhưng không phải người nào cũng bắt được nhiều. Một số người đi cả đêm chỉ được vài con", anh Hiếu, vốn làm nghề sửa chữa máy in, photocopy, cho biết. Hết cánh đồng này, anh di chuyển đến cánh đồng các xã lân cận. Với 10 năm đi bắt ếch đêm, những khu vực thường bắt được nhiều anh thuộc nằm lòng.
Kết thúc công việc lúc 4h30 hôm sau, mồ hôi ướt đẫm áo, bàn chân trắng bệnh do lội nước, bù lại anh Hiếu bắt được gần 10 kg ếch. Mang ếch về nhà, anh chuyển sang bao đựng lớn tránh bị chết. Sáng ra, ếch được chế biến nhiều món ăn trong gia đình, số còn lại chia cho người thân và bán giá 180.000 đồng/kg loại nhỏ, 250.000 đồng/kg loại lớn.
Cách chỗ anh Hiếu khoảng 10 km, anh Trần Văn An, 37 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, cũng soi đèn bắt ếch trong đêm. Từ 19h đến 3h hôm sau, anh bắt được hơn 5 kg, nặng 1-3 lạng mỗi con. "Trận mưa đầu mùa năm nay bắt được nhiều hơn năm trước. Do mưa lớn ngập bờ ruộng, nhiều khu vực có vũng nước đọng thu hút ếch đến", anh nói.
Theo anh An, mỗi năm chỉ có vài ngày bắt được nhiều ếch. Ngoài trận mưa đầu mùa thì thêm được một đợt khi ruộng đồng gặt xong lúa. Mưa nước ngập bờ, ếch đi ăn hoặc sinh sản. Càng về khuya, ếch dính cặp nên bắt một lần được cả hai con. Hết hai đợt mưa này chúng ở riêng lẻ, rất khó bắt.
Công việc bắt ếch gặp không ít rủi ro, như rắn độc hay bước xuống hố sâu té ngã. Những người như anh Hiếu, anh An không đặt nặng mục tiêu tiền bạc, chủ yếu bắt ếch về làm thức ăn cho gia đình và tặng người thân. "Ếch chỉ bán khi bắt được số lượng lớn, loại này không sợ ế, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu", anh An nói và cho biết thịt ếch đồng rất chắc, dai, thơm hơn ếch nuôi.
Ếch đồng có tên khoa học Hoplobatrachus rugulosus, sống ở những nơi ẩm ướt, gần bờ nước trong hang, bụi cây, đầm lầy... Chúng sinh sản vào mùa xuân đến đầu mùa hè, hiện nay được nuôi rộng rãi ở nhiều tỉnh thành. Ếch có thể chế biến nhiều món ngon như xào lăn, nấu cháo, rang muối...