Những ngày này, rừng ngập mặn nằm giữa tam giác 3 phường Phú Thủy, Phú Hài và Thanh Hải (TP Phan Thiết) sôi động bởi đang mùa thu hoạch dộp, còn gọi là vọp xanh - hình dạng gần giống nghêu và sò nhưng lớn gấp 2-3 lần. Loài này sống nhiều ở rừng ngập mặn gần cửa sông, lạch giáp biển.
6h, ông Lê Sạch, 61 tuổi chạy xe máy quãng đường 3 km từ nhà ở phường Xuân An qua rừng ngập mặn. Đến nơi, ông dựng xe bên tán cây bần rợp bóng cạnh đường mòn, rồi mang giỏ và bao lủi thẳng vào giữa rừng bần, mắm và đước.
Nước trong rừng ngập mặn mùa này lấp xấp, ông Sạch ngồi chống một gối xuống đất bùn, di chuyển tới phía trước, dùng tay móc xuống, moi từng con dộp to gần bằng nắm tay (5-6 cm) lên khỏi lớp bùn đen đuốc.
Chưa tới nửa giờ, ông Sạch bắt hơn nửa giỏ dộp. Khi đầy giỏ, ông dồn đống, đến cuối buổi gom một lượt. Hết ngồi dưới tán cây này, ông di chuyển qua tán cây khác. "Cuối mùa mưa, dộp lớn và béo, bắt sướng lắm", ông Sạch cho biết và móc dộp lên bỏ vào giỏ liên tục.
Phía bên kia rãnh nước thông ra đoạn sông Cầu Ké, vài người đang ngồi lết trên bùn. Tán rừng che bóng, không thấy rõ mặt người, từ xa chỉ thấy thấp thoáng dáng một vài thanh niên di chuyển bắt dộp.
Ông Hồ Văn Điền, 53 tuổi, đang mải móc tay xuống bùn, giật mình khi thấy người lạ đến gần. Thấy chụp ảnh, ông nở nụ cười, thảy con dộp vừa bắt vào giỏ, nói: "Nghề này mình mẩy dơ lắm, chụp không ăn ảnh đâu chú em ơi". Mỗi ngày ông đi bắt lúc 6h cho đến gần 12h trở về để giữ sức khỏe, bởi không thể dầm nước bùn lâu hơn.
Khu vực ông Điền đứng ít người bắt nên dộp rất dày, cứ 2-3 gang tay có con lớn. Từ sáng đến trưa, ông bắt được chừng một bao 50-70 kg. Số dộp này mang về được ông bán sỉ cho thương lái giá 15.000 đồng một kg, bán lẻ ở chợ 20.000 một kg. Mỗi ngày ông và nhiều thợ bắt thu nhập 600.000 đồng đến một triệu đồng.
"Nghề này rất cực, nhưng dù gì vẫn tự do hơn và thu nhập ngon hơn nhiều so với đi phụ hồ", ông Điền cho hay.
Ông Điền là người Cà Mau ra xứ biển Phan Thiết lập nghiệp hai năm nay. Ban đầu ông đi làm thợ hồ cho các công trình ở khu đô thị mới, nhưng tuổi cao không theo kịp công việc nặng nhọc nên theo người quen làm nghề này. "Vừa rồi hay tin khu rừng ngập mặn được chính quyền Bình Thuận giữ lại bảo vệ môi trường, anh em chúng tôi rất mừng vì còn chỗ mưu sinh", ông nói.
Dộp sau khi bắt về được bán cho thương lái. Ngoài bán lẻ tại các chợ, thương lái còn gửi dộp theo xe khách miền Tây đưa xuống Cà Mau tiêu thụ vài tạ mỗi ngày. "Ở Cà Mau, dộp là đặc sản, khách du lịch và dân ở đó ăn dữ lắm, nên bán rất chạy", chị Lê Thị Ngọc Bích, chuyên buôn bán dộp cho biết.
Thịt dộp màu trắng vàng, dai và ngọt nước, chứa nhiều dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều món đặc sản để ăn hoặc nhậu. Ngoài hấp gừng và nướng hành mỡ, dộp còn được dùng để nướng chao, xào bồn bồn, nấu canh, cháo... Tại Phan Thiết, món ăn này chủ yếu bán ở các quán, nhà hàng có chủ hoặc đầu bếp là người gốc miền Tây.
Dộp được khai thác ở rừng ngập mặn Phan Thiết (rộng 32 ha) chừng chục năm nay bởi những người quê miền Tây ra đây sống. Mùa dộp thường rộ từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch. Hết mùa, hơn chục thợ bắt chuyển qua săn lịch, ba khía, đẻn và tôm... cũng ở rừng ngập mặn, các bãi sình ven sông Phú Hài, Cà Ty.
Việt Quốc