China Evergrande Group hôm 17/7 thông báo sẽ trình bày kế hoạch tái cấu trúc nợ tại các tòa án ở Hong Kong và Quần đảo Cayman vào ngày 24 và 25/7. Công ty cũng sẽ tổ chức một cuộc họp với các chủ nợ nước ngoài, để thuyết phục họ thông qua kế hoạch này.
Evergrande vẫn đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo tụt nền kinh tế lớn nhất thế giới suốt 2 năm qua. "Có khả năng các chủ nợ sẽ thông qua kế hoạch tái cấu trúc. China Evergrande phải hành động nhanh để tránh rắc rối pháp lý ở nước ngoài", các nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence nhận định.
Hồi tháng 4, Evergrande cho biết 77% nhà đầu tư nắm trái phiếu hạng A đã thông qua kế hoạch này. Trong khi đó, chỉ 30% trái chủ hạng C đồng ý. Công ty này cần ít nhất 75% trái chủ của mỗi nhóm đồng ý, để thực hiện một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất tại Trung Quốc tính đến nay.
Evergrande hôm qua còn công bố báo cáo tài chính cho hai năm 2021 và 2022, vốn bị trì hoãn lâu nay. Họ ghi nhận khoản lỗ 105,9 tỷ nhân dân tệ (14,8 tỷ USD) năm 2022. Năm trước đó, số lỗ là 476 tỷ nhân dân tệ.
Đây là lần đầu tiên Evergrande ghi nhận 2 năm lỗ kể từ khi niêm yết năm 2009. Năm 2020, trước khi khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc nổ ra, Evergrande lãi 8 tỷ nhân dân tệ.
Tin tức về Evergrande khiến cổ phiếu bất động sản tại Trung Quốc sáng nay đồng loạt đi xuống. Thị trường địa ốc Trung Quốc bật tăng đầu năm nay, nhưng sau đó nhanh chóng lao dốc trở lại. Giá nhà và doanh số bán nhà trong tháng 6 đều giảm, làm dấy lên kỳ vọng chính phủ phải tung thêm biện pháp kích thích để hồi sinh nhu cầu.
Evergrande, cũng như các hãng bất động sản Trung Quốc khác, rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.
Evergrande thiệt hại nặng nhất, do lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành. Khi bị siết tín dụng, hãng nhiều lần suýt lỡ hẹn thanh toán lãi trái phiếu.
Dù vậy, doanh số bán nhà của Evergrande lao dốc từ trước khủng hoảng. Doanh thu hãng giảm một nửa trong năm 2021, xuống 250 tỷ nhân dân tệ. Năm ngoái, con số này còn 230 tỷ nhân dân tệ.
Trong khi đó, khối nợ của hãng ngày càng phình to. Theo báo cáo, tổng nợ tính đến cuối năm 2021 là 2.580 nhân dân tệ (360 tỷ USD), do hàng loạt dự án chậm bàn giao. Con số này cuối năm ngoái lên 2.440 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, tiền mặt của Evergrande chỉ là 4,3 tỷ nhân dân tệ.
Dù vậy, cổ phiếu của Evergrande có thể sắp được giao dịch trở lại. Mã này bị ngừng giao dịch từ tháng 3/2022, vì chậm công bố báo cáo tài chính.
Hà Thu (theo Bloomberg)