Nghị định 29/2018 có hiệu lực từ ngày 5/3 quy định những tài sản thuộc nhóm được xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm: tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật...
Ngoài ra, bất động sản vô chủ; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận cũng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Những cơ quan nào được xác lập tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân?
Theo Nghị định, các bộ, ban ngành có quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Bộ trưởng Tài chính được xác lập với tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam là bất động sản, ôtô, các tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên...
Bộ trưởng Công an quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực an ninh do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với: tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa...
Xử lý thế nào?
Theo quy định trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được phê duyệt, cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản phải chuyển giao tài sản cho đơn vị quản lý chuyên ngành. Cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm bảo quản, quản lý, xử lý tài sản theo quy định.
Với tài sản được mang ra đấu giá, số tiền thu được nộp về ngân sách và được sử dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Riêng đối với việc bán đấu giá tài sản là di vật, cổ vật tại nước ngoài sẽ được Thủ tướng quyết định.