Cuối năm ngoái, Bình Dương đón nhận thêm hơn 7.000 sản phẩm căn hộ tại 2 dự án của 2 công ty bất động sản lớn Sài Gòn có vị trí tại Quốc lộ 13 (thành phố Thuận An) và Dĩ An. Trong các đợt mở bán, theo ghi nhận của các chủ đầu tư hầu hết rổ hàng đều được nhanh chóng giao dịch thành công.
Năm qua, Bình Dương trở thành một trong số thị trường địa ốc sôi động bậc nhất phía Nam, bất chấp Covid-19 với lượng hàng bung ra và giá tịnh tiến. Số liệu từ DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 1/2021, tỉnh này vượt TP HCM vươn lên dẫn đầu nguồn cung trong khu vực Đông Nam Bộ với 7 dự án mở bán. Trong tháng đầu năm, Bình Dương cung cấp cho thị trường khoảng 1.893 căn hộ, chiếm 53,8% nguồn cung mới của khu vực.
Đây cũng là điểm đến của nhiều tên tuổi trên thị trường. Tập đoàn An Gia đã mua quỹ đất khoảng 3 ha tại Bình Dương với quy mô 3.500 sản phẩm trong năm 2020. Quỹ đất này sẵn sàng phát triển trong năm 2021. An Gia cũng đang trong quá trình đàm phán mua thêm 30-50 ha quỹ đất thấp tầng.
Không chỉ Bình Dương, sự sôi động của các địa phương phụ cận TP HCM còn có thêm Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Thời gian qua, Phát Đạt tập trung phát triển các dự án khu vực lân cận TP HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc. Theo kế hoạch kinh doanh, năm nay doanh nghiệp này tiếp tục dành nguồn lực cho các thị trường tiềm năng cao tại khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh ven biển miền Trung. Ngay cả với bất động sản công nghiệp, công ty vẫn chọn triển khai dự án Khu dịch vụ kho bãi logistics đầu tiên với diện tích 24 ha gần Cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Về phía nhà đầu tư và người mua cũng cho thấy mức độ quan tâm rõ rệt với những thị trường mới này. Theo số liệu kênh dữ liệu bất động sản Vhome từ đầu năm đến nay, ngoài các thành phố lớn, Biên Hòa khu vực vùng ven TP HCM ghi nhận lượt truy cập của người dùng cao nhất. Tiếp đến, Vũng Tàu và Thuận An cũng thu hút nhà đầu tư và người mua khi vào top 10 địa phương có lượt truy cập cao nhất trên Vhome. Ngoài ra, Bến Cát, Dĩ An, Thủ Dầu Một... cũng ghi nhận lượng truy cập thường xuyên của độc giả tại các dự án đất nền và căn hộ.
"Nhiều người dùng Vhome tìm kiếm cụ thể từng cung đường thuộc các khu vực trên. Trong đó, đường ven biển Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), quốc lộ 51 (Long Thành, Đồng Nai), tỉnh lộ 822 (Đức Hòa, Long An)... là những khu vực có lượt truy cập tốt", đại diện Vhome cho hay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại quận 2, TP HCM cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng viễn chinh này. Ngoài quỹ đất hẹp, thì lý do quan trọng khác là thủ tục pháp lý tắc nghẽn, giá đất đất đỏ tại TP HCM. Việc đầu tư các vùng vệ tinh được xem là chiến lược sống còn của các doanh nghiệp địa ốc.
Đại diện DKRA Việt Nam đánh giá các tỉnh giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đầu tư đất nền và nhà liền thổ suốt năm 2020 diễn ra trong bối cảnh TP HCM không có nhiều dư địa để đầu tư.
Đơn vị này dự báo nguồn cung đất nền và nhà phố tại các tỉnh giáp ranh, lân cận TP HCM vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2021. Các tỉnh sẽ được xếp chung vào thị trường địa ốc khu vực vùng phụ cận TP HCM chứ không tách rời từng tỉnh riêng lẻ do sự kết nối về hạ tầng và dịch vụ liên vùng ngày càng phát triển.
"Phân khúc đất nền có thể phục hồi và tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản phẩm căn hộ tăng ở hầu hết các địa phương. Trong đó, Đồng Nai có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung nhà phố, biệt thự mới", đại diện DKRA nói.
Trong dự báo ngành bất động sản năm 2021, VNDirect nhận định "làn sóng di cư" đến các tỉnh lân cận TP HCM và Hà Nội nói chung sẽ tiếp tục là xu hướng chính trong năm, chủ yếu do giá bán tại các khu vực này vẫn ở mức thấp hơn hai thành phố lớn.
Tất Đạt