Tại tọa đàm "Triển vọng thị trường bất động sản 2021" do Báo VnExpress tổ chức cuối tháng 3 tại TP HCM, PGS TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những số ít quốc gia tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tăng trưởng này được hỗ trợ trực tiếp bởi nguồn đầu tư công trong năm 2020 cùng với việc duy trì hoạt động xuất nhập khẩu tốt. Đây là bệ đỡ thu hút đầu tư cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 29 tỷ USD đổ vào, trong đó đầu tư cho bất động sản chiếm 3,8 tỷ USD.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận trong quý I/2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 597,7 triệu USD, chiếm 14,6%. Tính từ đầu năm đến ngày 20/3, số liệu từ Cục Thống kê TP HCM cho thấy thành phố có 7 dự án vốn FDI đăng ký 117,4 triệu USD được cấp phép mới.
Trước đó, năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với vốn FDI đăng ký gần 4,2 tỷ USD, cao hơn số vốn 3,88 tỷ USD của cả năm 2019. Trong số này có tới 2 tỷ USD rót vào thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản.
Thị trường Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chính trị bình ổn và sự tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô. "Việt Nam sẽ trở thành điểm mới thay thế nhiều nguồn cung bất động sản trên toàn cầu", theo TS Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, năm 2020 có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng với những con số đó là nhu cầu về địa điểm sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu làm việc sinh sống cho các chuyên gia...
"Nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bởi nhìn thấy nhu cầu về các loại bất động sản ở Việt Nam đã và đang tăng lên", TS Lê Duy Bình nhận xét.
Giới chuyên gia nhìn nhận ngoài lý do "đất lành chim đậu", an toàn và sinh lời thì hút vốn đầu tư, việc một vài ông lớn bất động sản Việt Nam chủ động tấn công thị trường vốn quốc tế cũng gia tăng lực hấp dẫn FDI cho ngành này. Đơn cử, Tập đoàn Novaland trực tiếp đến Mỹ, châu Âu, một số nước khu vực châu Á tiếp cận thị trường vốn quốc tế từ những năm 2015. Những nỗ lực đó đã khiến tập đoàn này giải ngân và huy động được 1,3 tỷ USD vốn FDI.
"Mục đích của Novaland là đưa sự hiện diện của ngành bất động sản Việt Nam và thương hiệu Novaland đến thị trường quốc tế", bà Nguyễn Thị Xuân Dung - quyền Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland chia sẻ.
Kinh tế Việt Nam và thế giới trải qua một năm khó khăn với Covid-19, nhưng Tập đoàn Novaland vẫn thành công trong việc thu hút nguồn vốn quốc tế, nhờ vào năng lực, sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm của tập đoàn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Cụ thể, Novaland đưa ra các cấu trúc vốn có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư của tất cả đối tượng, gồm quỹ đầu tư và các định chế tài chính hàng đầu. Kế đến là tầm nhìn dài hạn và năng lực hiện thực hóa tầm nhìn này. Khi đưa ra tầm nhìn, Novaland xây dựng quỹ đất, chiến lược và đầu tư để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược này. Đồng thời, tập đoàn làm việc chặt chẽ với các đối tác tư vấn thiết kế phát triển dự án có tên tuổi trên thế giới để cung cấp sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn hướng đến phát triển, xây dựng một môi trường sống lành mạnh, đóng góp vào việc phát triển đời sống cộng đồng và người dân địa phương. Thêm vào đó là khả năng đáp ứng, tiếp thu kinh nghiệm từ các nền kinh tế và các chủ đầu tư trên thế giới.
"Chúng tôi luôn đầu tư phát triển đội ngũ và vận hành theo chuẩn quốc tế, áp dụng những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để đưa vào bộ máy vận hành, quản trị rủi ro và quản trị hệ thống doanh nghiệp", bà Dung chia sẻ.
Nhìn nhận Việt Nam là thị trường bất động sản mới nổi tại châu Á với cơ hội sinh lời hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng, để bất động sản thành thỏi nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài thì trước mắt cần phải tháo gỡ các nút thắt pháp lý dự án. Đồng thời, tại những thành phố lớn cũng cần nới lỏng chính sách cấp mới dự án cho doanh nghiệp.
"Tháo gỡ các nút thắt pháp lý là một trong những phương cách chính để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bất động sản Việt Nam", ông Khương nói.
Mỹ Dung