Đà tăng trưởng của du lịch và bất động sản wellness
Theo định nghĩa của Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI), xu hướng sống "wellness" là việc theo đuổi các hoạt động và lựa chọn lối sống nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện về thể chất và tinh thần. Xu hướng này được hàng triệu người trên thế giới theo đuổi, thúc đẩy ngành du lịch wellness "thức giấc" và thống lĩnh toàn cầu.
Trong một báo cáo của trung tâm nghiên cứu SRI International, nền kinh tế du lịch wellness toàn cầu có quy mô ước tính gần 440 tỷ USD. Số chuyến du lịch wellness dù chiếm 6% tổng số chuyến du lịch, lại đóng góp tới 14% chi tiêu du lịch toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra, khách du lịch chăm sóc sức khỏe có xu hướng giàu hơn, trình độ học vấn cao hơn, chi tiêu nhiều hơn. Một khách quốc tế trải nghiệm du lịch wellness chi tiêu nhiều hơn 65% mức trung bình của một khách thông thường. Với khách nội địa, mức chi tiêu cho chuyến du lịch wellness cao gấp 2,5 lần một chuyến du lịch thông thường.
Thực tế cũng đã chứng minh, các khu nghỉ dưỡng có nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường có lợi nhuận cao hơn các khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn.
Theo dữ liệu từ HotStats, năm 2019, tổng doanh thu của các khách sạn có đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao hơn trung bình 43% so với các khách sạn không có dịch vụ này. Kết quả dựa trên nghiên cứu hoạt động tài chính hằng năm của 3.200 khách sạn thuộc mọi hạng khách sạn trên toàn thế giới.
Sự thăng hoa của du lịch wellness toàn cầu thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ wellness bứt tốc và không ngừng lớn mạnh. Giới thượng lưu không tiếc tiền đầu tư vào sức khỏe bằng nhiều hình thức khác nhau, như tham gia vào chuỗi phòng tập thể dục đắt đỏ, ưu tiên lựa chọn không gian sống tiện nghi chăm sóc sức khỏe, hay tham gia các khóa spa trị giá 10.000 USD mỗi tuần...
Trong đó, phải kể đến sự mở rộng quy mô bất động sản wellness tỷ lệ thuận với sự gia tăng của giới siêu giàu thế giới. Như báo cáo của GWI, bất động sản wellness tăng 6,4% một năm kể từ 2015, đạt 134 tỷ USD vào 2017, dự báo đạt 180 tỷ USD vào năm 2022.
Bất động sản wellness càng được gọi tên sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh tật hiểm nghèo dần trẻ hóa... Bối cảnh dịch bệnh lại càng khiến sức khỏe trở thành vấn đề đáng quan tâm số một. Hơn lúc nào hết, bất động sản chuẩn wellness ở nơi vắng bóng Covid-19, không khói bụi, ô nhiễm... trở thành khát khao hàng đầu của giới tinh hoa.
Bất động sản wellness đón "kỷ nguyên phát triển mới"
Theo các chuyên gia bất động sản, khi sức khỏe quan trọng hơn tài sản được tôn vinh như một triết lý sống, những cuộc phong tỏa, giãn cách xã hội vì dịch bệnh khiến nhiều người cảm thấy bức bối, cũng là lúc một kỷ nguyên phát triển mới đang mở ra đối với bất động sản hướng tới chăm sóc sức khoẻ. Những second home nghỉ dưỡng chuẩn wellness giữa thiên nhiên, đồng thời tích hợp đa dạng trải nghiệm dịch vụ, giải trí hấp dẫn đang được ưa chuộng đặc biệt tại khắp nơi trên thế giới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nhiều người giàu sẵn sàng chi trả cao để sở hữu không gian sống sang trọng, cá nhân hóa, giàu thẩm mĩ giữa thiên nhiên để nâng niu sức khỏe. Bất động sản wellness ở những hòn đảo nhiệt đới quanh năm ấm áp, thiên nhiên trù phú, hạ tầng đồng bộ, đa dạng trải nghiệm như Phú Quốc đang được khách hàng giàu có tại Việt săn đón.
Tờ CNN từng đưa Phú Quốc vào danh sách những điểm đến tuyệt vời nhất châu Á. Mới đây, thành phố đảo này cũng lọt top 15 hòn đảo tốt nhất thế giới để nghỉ hưu. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, đây là một trong những điểm đến thích hợp để phát triển bất động sản wellness cao cấp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, đảo Ngọc hội đủ tiêu chuẩn trở thành điểm đến đáng sống, nghỉ dưỡng và nghỉ hưu, phù hợp để phát triển mô hình wellness. Bởi nơi đây có khí hậu tốt, quanh năm ấm áp, biển trong xanh. "Không có lý do gì chúng ta không phát triển loại hình bất động sản chăm sóc sức khỏe tại đây", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thêm vào đó, đại dịch càng khiến giới nhà giàu quan tâm đến bất động sản wellness ở các đảo biệt lập. Trên thế giới, nhiều tỷ phú mua đảo riêng làm nơi tránh dịch. Phú Quốc cũng là nơi đầu tiên được xem xét thí điểm hộ chiếu vaccine, hứa hẹn là điểm đến phù hợp để nghỉ dưỡng dài ngày, tránh dịch, "detox" cơ thể, phục hồi sức khỏe...
"Là tín đồ của wellness, tôi sẵn sàng chi tiền cho những chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe ở Bali, hay Phuket... Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh khiến những chuyến đi như vậy bị gián đoạn. Nếu có những sản phẩm để nghỉ dưỡng và trải nghiệm wellness ở đảo nhiệt đới như Phú Quốc sẽ rất phù hợp", anh Nam Khánh (TP HCM), chia sẻ.
Theo các chuyên gia, khoảng trống đó là dư địa để các nhà phát triển bất động sản đưa xu hướng wellness vào các dự án đô thị ở Phú Quốc. Theo tiết lộ của một nhà đầu tư địa ốc kì cựu, tại tổ hợp Bãi Kem ở Nam đảo - top 100 bãi biển đẹp nhất hành tinh, một "ngôi làng nhiệt đới" phong cách wellness sắp được Sun Property (thành viên Sun Group) ra mắt thị trường, đáp ứng nhu cầu sở hữu dòng bất động sản thời thượng của giới thượng lưu.
Dưới góc nhìn chuyên gia, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nhà đầu tư còn cơ hội lớn ở thị trường Phú Quốc. "Phú Quốc là điểm đến phù hợp để du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nghỉ hưu của giới nhà giàu trong nước cũng như cộng đồng người nước ngoài. Mô hình bất động sản second home hướng tới chăm sóc sức khỏe là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực của dòng khách cao cấp, cũng như đảm bảo giá trị tài sản bền vững, gia tăng theo thời gian", vị này nói.
Hoài Phong