Tiến sĩ Bùi Sĩ Doanh, Cục phó Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, 3 địa điểm đại diện cho 3 miền được tiến hành thí nghiệm là Gia Lâm (Hà Nội), Hóc Môn (TP HCM) và thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Mẫu rau do Cục Bảo vệ thực vật lấy từ ruộng thí nghiệm của tiến sĩ Khải. Ảnh: Hồng Khánh. |
Tại Hà Nội, ngoài rau cải xanh, Hội đồng khoa học chuyên ngành của Bộ quyết định trồng thêm xà lách. Loại rau này đã được nông dân cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phun thuốc tăng trưởng ngoài danh mục và cho kết quả phát triển nhanh "chóng mặt".
Tại TP HCM và Quảng Ngãi, do thời tiết nắng nóng, không thích hợp với xà lách, nên chỉ có cải xanh được lựa chọn để gieo hạt. Dự kiến sau 15 ngày, tính từ thời điểm gieo trồng rau, các nhà khảo nghiệm sẽ phun thuốc kích thích tăng trưởng.
"Mỗi ô rau thí nghiệm rộng 50 m2, lặp lại 3 lần và phun 3 loại thuốc kích thích, 2 loại ngoài danh mục và một loại được phép sử dụng để so sánh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ trồng một ô rau đối chứng. Tổng diện tích rau thí nghiệm tại mỗi điểm lên tới 1.100 m2", ông Doanh nói.
Tiến sĩ Doanh cho biết thêm, song song với việc thử nghiệm thuốc kích thích tăng trưởng ngoài danh mục, các nhà khoa học cũng sẽ xác định hàm lượng hoạt chất của 2 loại thuốc "tăng vọt" mà nông dân đang sử dụng, trong đó có GA3.
Trước Tết Mậu Tý, sau khi có dư luận nông dân sử dụng thuốc tăng vọt trên rau, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã trồng và thí nghiệm phun loại thuốc này lên một số loại rau nhằm đánh giá tác dụng của thuốc. Kết quả cho thấy, rau phun thuốc màu sẫm hơn, nhưng không có sự đột biến về tăng trưởng.
Tuy nhiên, kết quả này trái ngược với kết quả thí nghiệm của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, cũng được tiến hành vào thời điểm trên. Theo đó, rau phun thuốc dài gấp 2-3 lần rau không phun.
Hồng Khánh