Những ngày này, người dân các phường Bàng La, Ngọc Xuyên, Vạn Hương... thuộc quận Đồ Sơn mang theo cào sắt tự chế, túi lưới, bao tải cùng rổ, chậu lội xuống bãi tắm để bắt con dắt.
"Chưa vào mùa du lịch nên biển vắng khách, chúng tôi tranh thủ cào dắt kiếm thêm, đi từ sáng đến trưa, người ít được từ 40 đến 50 kg, người nhiều hơn 100 kg, giá bán một kg dắt là 10.000 đồng", ông Nguyễn Văn Phàm (73 tuổi, người phường Bàng La, quận Đồ Sơn) cho biết.
Con dắt là loài nhuyễn thể, kích thước nhỏ như hạt lạc với 2 mảnh vỏ, thường sống ở những đụn cát dưới đáy vùng nước lợ nơi cửa biển, có nhiều ở các bãi tắm Đồ Sơn. Trước đây, con dắt thường được người lao động nghèo bắt về chế biến thành món ăn hoặc bán cho các chủ đầm, trang trại nuôi tôm, cua, vịt với giá rẻ.
Vài năm trở lại đây, con dắt được biết đến là thực phẩm bổ dưỡng, trở thành đặc sản được người dân thành phố và nhiều du khách ưa chuộng khi đến Đồ Sơn. Dắt thường được nấu canh với rau mồng tơi, rau đay hoặc nấu riêu chua, cháo hành, rim với thịt...
Theo người dân địa phương, những năm qua tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều bãi triều bị mất đi, nơi sinh trưởng của dắt dần thu hẹp; riêng bãi tắm khu 1, 2 ít chịu tác động nên dắt ở đây vẫn còn nhiều.
"Con dắt vỏ trắng trong, có quanh năm, nhưng từ tháng 3 đến tháng 4 là thời điểm con dắt mẩy và ngon nhất", ông Nguyễn Văn Phàm nói và cho hay khoảng 8-9h sáng ông ra bãi biển khu 2, xuống bãi cào đến 12h ra về. Trung bình mỗi ngày ông Phàm bắt được 80-100 kg dắt, bán được từ 700.000 đến một triệu đồng.
Ông Cao Văn Minh, 60 tuổi, đến từ phường Bàng La, cũng cho hay bắt được khoảng hơn 100 kg dắt mỗi ngày, chủ yếu bán cho tiểu thương ở chợ, còn một ít đưa về nhà chế biến thức ăn. "Con dắt vị ngọt, tính hàn, giàu dinh dưỡng, lại dễ chế biến nên nhiều người tìm mua, đưa ra chợ là bán được ngay, bao nhiêu cũng hết", ông Minh nói.
Ở tuổi gần 70, gia đình không khó khăn về kinh tế nhưng bà Hoàng Thị Hường (phường Bàng La) cũng theo hàng xóm hàng ngày xuống bãi cào dắt. "Con dắt là lộc trời, dễ bắt nên tôi ra biển lao động cho khỏe người", bà Hường nói và cho hay dù bắt được ít hơn những người khác song trong buổi sáng bà cũng cào được 30 kg. "Đủ chế biến món ăn cho gia đình, không phải mua ở chợ", bà Hường vui vẻ nói.