Sau 30 phút dạo quanh vườn vào buổi sáng giữa tháng 1, anh Rủi mang về bốn con chuột lông vàng, mỗi con nặng hơn 200 gram.
Nằm ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, vườn sâm của Trung tâm sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My) rộng hàng chục ha, xung quanh bạt ngàn cây cổ thụ. Mỗi năm chuột cắn phá, chủ yếu là củ và hạt cây sâm.
"Có những cây sâm trị giá hơn 10 triệu đồng nhưng bị chuột xơi gần hết, trong khi để trồng một cây trưởng thành phải mất nhiều năm", anh Rủi nói.
Là người địa phương, từ nhỏ theo cha lên núi đặt bẫy bắt chuột, anh Rủi biết cách làm nhiều loại bẫy, nguyên liệu lấy từ cây rừng mọc quanh vườn. Bẫy kẹp được sử dụng nhiều nhất, làm từ những thanh tre và dây buộc lại.
"Chuột hay leo trèo nên tôi dùng một cây nứa bắc từ cây này sang cây kia. Trên cây nứa sẽ đặt bẫy, khi chuột đi qua vướng vào dây thì bẫy sập. Cú đập mạnh khiến chuột bị thương và mắc lại", anh Rủi tiết lộ.
Ngoài leo trèo, chuột thường chui rúc trong các hang đá, gốc cây. Để bắt chúng, anh Rủi tìm một hòn đá dẹt, rộng khoảng 30 cm, đưa lên cao khỏi miệng hang, gốc cây, phía dưới có cành cây chống đỡ. Trên cành cây, anh dùng hoa quả rừng dụ chuột đến ăn. Khi chúng bò vào bị cành cây bật và hòn đá đè xuống.
Theo ông Hồ Văn Don, đỉnh Ngọc Linh có nhiều hang đá, gốc cây, chuột trú ngụ, sinh sản nhiều. Ban đêm chúng chui ra ngoài kiếm ăn, ban ngày ẩn nấp nên khó tiêu diệt. Việc đào hang như người dân dưới xuôi là không thể, chỉ có thể dùng bẫy. Ông Don đã làm hơn 100 bẫy kẹp để bảo vệ hơn 5.000 gốc sâm.
"Loại chuột ăn sâm Ngọc Linh rất khôn, nếu một con mắc bẫy thì hôm sau phải chuyển bẫy đi nơi khác. Nếu tiếp tục đặt vị trí cũ, nó sẽ không đi qua", ông nói. Mỗi cái bẫy khi dính chuột phải rửa thật sạch để bay hết mùi, nếu không chuột sẽ không bao giờ lại gần.
Hàng năm, từ tháng 7 đến 10 âm lịch, cây sâm Ngọc Linh ra hoa và thụ phấn kết trái. Mỗi bông hoa có hàng chục quả chín đỏ, đây là món ăn khoái khẩu của loài gặm nhấm. Nếu không có biện pháp bảo vệ, mỗi đêm có hàng trăm bông hoa bị chuột ăn sạch. Vì thế ngoài việc đặt bẫy, các chủ vườn sâm phải thay nhau thức trắng đêm để đuổi và bắt chuột.
Hiện có nhiều loại thuốc đánh bả chuột nhưng người dân Xê Đăng không sử dụng, bởi sâm Ngọc Linh dính phải chất hóa học sẽ chết. Người dân chỉ biết dùng bẫy thủ công. Chuột bắt về sẽ chế thành nhiều món ăn, như xào lăn, nấu giả cầy, nướng...
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh. Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra 7 xã của huyện Nam Trà My với 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.