Trong lần đọc thứ ba và cuối cùng ngày 14/5, các nghị sĩ Gruzia bỏ phiếu thông qua dự luật kiểm soát đặc vụ nước ngoài với 84 phiếu thuận và 30 phiếu chống. Văn bản sẽ được chuyển tới Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili.
Bà Zourabichvili tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật. Tuy nhiên, quyết định này có thể bị bác bỏ bởi cuộc bỏ phiếu khác tại quốc hội Gruzia, nơi đảng cầm quyền và đồng minh chiếm đa số ghế.
Đạo luật yêu cầu xếp các tổ chức nhận hơn 20% ngân sách từ nước ngoài vào danh sách "đặc vụ nước ngoài". Các tổ chức không minh bạch hóa nguồn tài chính sẽ bị phạt hành chính.
"Đặc vụ nước ngoài" là khái niệm để chỉ các cá nhân hoặc tổ chức tích cực thúc đẩy lợi ích của một quốc gia nước ngoài trong khi hoạt động ở nước sở tại.
Những người ủng hộ tuyên bố đạo luật là cần thiết để thúc đẩy minh bạch, chống lại "các giá trị tự do giả hiệu" do nước ngoài thúc đẩy và bảo vệ chủ quyền Gruzia.
Trong khi đó, phe phản đối cho rằng đây là "luật Nga" vì các điều khoản "giống hệt đạo luật kiểm soát tổ chức phi chính phủ" mà Nga ban hành năm 2012, đồng thời là động thái "nhằm cản đường Gruzia gia nhập EU và gia tăng ảnh hưởng của Nga".
Các cuộc biểu tình phản đối đạo luật diễn ra suốt nhiều tuần, đỉnh điểm có hàng chục nghìn người tham gia. Chúng nằm trong số những cuộc biểu tình lớn nhất ở Gruzia từ khi quốc gia vùng Kavkaz tuyên bố độc lập năm 1991.
EU nhiều lần nhận định đạo luật sẽ là rào cản đối cho việc Gruzia hội nhập sâu hơn vào liên minh. Mỹ, Anh, Đức, Italy và Pháp đều kêu gọi Gruzia rút lại dự luật. Nga phủ nhận truyền cảm hứng cho Gruzia trong việc đưa ra đạo luật "đặc vụ nước ngoài".
"Chúng tôi nhận thấy bên ngoài đang can thiệp công khai vào công việc nội bộ của Gruzia", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/5 nói. "Đây là vấn đề nội bộ của Gruzia. Nga không muốn can thiệp vào điều này bằng bất cứ hình thức nào".
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)