Hai từ quê hương thiêng liêng luôn để lại trong góc nhỏ trái tim mỗi người với sự nhớ nhung và trân trọng. Bởi quê hương là nơi con người ta được sinh ra, lớn lên và đó cũng là nơi muốn tìm về sau những tháng ngày lăn lộn mệt mỏi với cuộc đời. Tôi cũng vậy, nhớ về quê hương là nhớ đến kỷ niệm đẹp thời thơ ấu nhất là món ăn mẹ nấu - bát canh bầu nấu với tôm.
Quả bầu thuộc họ bầu bí, xưa nay được biết đến rất lành tính, còn gọi là bầu nậm, bầu đất, bầu canh, rất thích hợp để ăn trong những ngày hè bởi vị ngọt, vị mát, ăn rất bổ... Bầu thường mọc theo giàn, cũng có nhiều giống bầu khác nhau bởi hình dáng, kích thước của quả. Có quả dài tới một mét, hình trụ, vỏ màu xanh mướt, có quả lại có hình chuông, giữa quả thắt lại, phần dưới và phần trên quả phình to ra trông như hồ lô rất vui mắt.
Tôi nhớ, ngày xưa nhà nghèo lắm. Bữa cơm phải nấu bằng bếp củi, bếp rơm nồng mùi khói. Bữa cơm mẹ nấu trong đó có món canh bầu bốc lên thơm lừng xen cùng mùi hương của rơm rạ đầu mùa, của khói bếp mịt mù. Nhà của tôi hồi đó trồng rất nhiều bầu. Những giàn bầu khắp vườn như tấm thảm che nắng. Trẻ con thường chơi đuổi bắt trốn tìm dưới giàn bầu ấy, hay đung đưa trên chiếc võng ngửa mặt nhìn lên xem những trái bầu treo lủng lẳng mà nghĩ ngợi về nhiều điều xa xôi.
Bất chợt thấy mẹ đi chợ về, tôi liền chạy ra đỡ đôi quang gánh cho mẹ và bưng ly nước cho mẹ uống. Mẹ bảo: "con ra cắt cho mẹ một khúc bầu". Tôi hỏi: "để làm gì hả mẹ?", "mẹ nấu món này cho cả nhà thưởng thức", mẹ đáp. Lúc đó tôi vô cùng háo hức vội đi làm ngay. Tôi đứng bên bếp củi với nồi canh nghi ngút khói, ngửi thấy mùi thơm thật lạ và thật hấp dẫn... đó là canh tôm nấu với bầu.
Tôi sẽ thực hiện lại món canh bầu nấu tôm thơm ngon tại nhà để nhớ về tuổi thơ một thời bên mẹ. Nguyên liệu gồm có: tôm nõn (hoặc mua tôm về rồi bóc vỏ); bầu 1 quả (quả to có thể nấu nửa quả); hành tươi, rau mùi.
Cách nấu như sau: chọn quả bầu không già sau đó gọt vỏ, rửa sạch, thái lát. Tôm cắt chân, râu bóc vỏ, rửa sạch, ướp gia vị trước khi nấu 30 phút cho thấm. Làm nóng chảo với dầu, cho hành vào khử thơm rồi cho tôm vào xào. Sau đó đỗ nước lên đun sôi, bỏ bầu vào và nhớ để lửa to làm lát bầu xanh. Khi canh sôi thì nhắc xuống rắc hành ngò vào. Nếu để lâu trên bếp bầu sẽ nhừ không ngon.
Quả thật, giữa ngày hè oi ả, nóng nực có bát canh bầu mẹ nấu khiến bữa cơm thêm ngon miệng, xua tan đi cái nóng của cơ thể. Bởi thế mà ca dao có câu "Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Tôi luôn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức món canh bầu với tôm mẹ nấu ấy. Lát bầu vừa mềm, vừa xanh rất hấp dẫn húp với nước canh rất ngọt cùng với vị thơm của hành ngò, cay của ớt và tiêu làm tôi nhớ mãi.
Và tôi còn nhớ những giọt nước mắt cay vì khói bếp trên gương mặt sạm đen của mẹ. Nhìn những chai sạn trên đôi vai của mẹ, tôi thấu hiểu mọi gánh nặng cuộc sống như đè nặng lên đôi vai gầy guộc ấy để cho chúng tôi hương vị ngọt ngào như ngày hôm nay. Để rồi mỗi khi nghĩ về tôi lại thấy cay nơi khóe mắt... vì sự nghèo khó, thiếu thốn của ngày xưa, cơm canh đạm bạc nhưng chan chứa tình yêu thương. Món ăn dù đơn giản đến vô cùng vẫn ngon một cách đặc biệt.
Món ăn này mẹ thường chế biến cho bữa cơm gia đình vào mùa hè để giải nhiệt cái nắng oi bức gió Lào Quảng Trị. Món ăn không sang trọng, cầu kỳ nhưng dường như tuổi thơ tôi lại chứa đầy kỷ niệm về nó. Mỗi lần mẹ nấu tôi đều háo hức, thèm thuồng và mong đến bữa ăn cho rồi. Để rồi, sau này khi lớn lên phải xa nhà lâu ngày trở lại, tôi chỉ mong được sà vào lòng mẹ, thủ thỉ với mẹ chuyện vui buồn và được thưởng thức món canh bầu ấy.
Giờ đây giữa cuộc sống mưu sinh hối hả, nhộn nhịp, bon chen khiến con người ta sống trở nên gấp gáp liền tìm đến các quán ăn, nhà hàng. Mỗi lần ăn dĩa cơm bụi, tôi hồi tưởng lại ngày thơ bé, nhớ đến nồi canh bầu thơm ngọt mà năm xưa mẹ nấu thường xuyên cho cả nhà thưởng thức, rồi cùng quây quần bên nhau húp sùm sụp. Hai mí mắt tôi chợt ươn ướt, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê nhà, nhớ nồi canh bầu của những năm tháng còn nghèo nàn đã góp phần nuôi chị em tôi khôn lớn từng ngày.
Tôi nấu món canh bầu này như cách thức mà mẹ tôi đã nấu ngày xưa để nhớ đến mẹ và cảm ơn mẹ về món ăn dân dã này nhưng vô cùng ý nghĩa, dịp 20/10 sắp đến.