Khoảng 15h hàng ngày, anh Phương ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh rời nhà tới hồ thủy lợi Phú Ninh. Cho 20 tấm lưới loại mắt nhỏ lên chiếc thuyền nan, anh Phương ngồi cuối mũi thuyền, một chân thả xuống nước tạo thành mái chèo đẩy thuyền tới những nơi nước sâu 1-5 m, cách bờ 10-50 m, phía dưới có nhiều bãi đá để thả lưới. Mỗi tấm lưới dài 30 m được kết lại, tạo thành đường dài. Sau 30 phút thả hết lưới, anh lên bờ trở về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi.
Trời chập tối, Phương tiếp tục ra bờ hồ trải tấm bạt ngồi canh giữ lưới. Mỗi tấm lưới giá 150.000 đồng, sử dụng khoảng một năm thì thay tấm khác. "Gần đây nhiều người lấy trộm lưới hoặc ghe thuyền đi qua chân vịt cuốn rách nên tôi phải giữ. Nghề này dễ kiếm tiền nhưng phải mất ngủ, thường xuyên tiếp xúc với nước nên chân, tay bị trắng bệch, da nhăn nheo", anh chia sẻ.
Đến 21h, trời tối đen như mực, Phương đầu đội đèn pin, ngồi cuối mũi đẩy thuyền lướt đi tìm đến cục xốp màu trắng nổi lên - nơi đánh dấu một đầu tấm lưới. Đi đến đâu, đôi tay anh thoăn thoắt đưa lưới lên khỏi mặt nước, gỡ những con cá bống mắc vào, rồi lại thả lưới xuống. "Nếu để cá mắc lâu bị chết và ươn, sau vài giờ phải thăm lưới để bắt", anh giải thích.
26 tuổi, Phương đã hơn 10 năm thả lưới bắt cá bống trên lòng hồ Phú Ninh. Anh hiểu rõ cá bống ban ngày sống trong hang đá, gốc cây, đêm xuống ra ngoài tìm thức ăn. Quá trình di chuyển, chúng gặp lưới bị mắc vào. Mùa bắt cá bống từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.
Sau gần hai tiếng dỡ lưới, Phương bắt được 2 kg cá bống, đưa về nhà cho vào tủ lạnh bảo quản. Ngay sau đó anh ra bờ hồ canh giữ lưới, đến 4h sáng lại lên thuyền ra lòng hồ thu gom. Trời sáng tỏ mặt người, Phương lấy xong 20 tấm lưới, kết thúc một đêm mưu sinh.
Đưa những tấm lưới về nhà, Phương cùng vợ gỡ cá bống mang ra chợ bán. Những con cá bống béo tròn, to bằng ngón tay, màu vàng nhạt vẫn tươi rói. Mỗi kg cá bống bán từ 100.000 đến 120.000 đồng. Ngoài 4 kg cá bống, Phương còn bắt được 2 kg cá mương, cá sầu..., bán 30.000 đồng một kg.
Nước lòng hồ Phú Ninh sạch, cá bống ở đây ngon hơn cá sông, ao hồ nên được ưa chuộng. "Mỗi ngày tôi bắt được bao nhiêu thì nhà hàng, quán cơm, quán nhậu đặt mua hết", Phương nói và cho biết ngày nhiều bắt 5 kg, ngày ít một kg.
Cũng đánh bắt cá bống trên hồ Phú Ninh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ở xã Tam Đại, thả hơn 10 tấm lưới. 3h sáng, hai người lên chiếc thuyền nan chèo ra lòng hồ buông lưới và đến 5h thu gom.
Sau gần một tiếng, thuyền ông Hùng cập bờ với thành quả hơn 2 kg cá bống. "Nghề bắt cá phụ thuộc vào thời tiết, hôm gió nhiều, sóng lớn bắt được ít, hôm trời nắng, nước êm thì được nhiều. Trung bình ngày làm việc ba tiếng, vợ chồng tôi thu vài trăm nghìn đồng", ông Hùng nói. Ngoài đánh cá, ông còn làm nông.
Theo ngư dân, khi lòng hồ thủy lợi xả nước phục vụ nông nghiệp, mực nước xuống khoảng 5 m là thời điểm đánh bắt cá bống. Tháng 7-8, nước dâng, cá đi đẻ, thả lưới bắt được nhiều nhất. Ở Quảng Nam, cá bống được người dân kho, xào lăn với nghệ, nướng, chiên... hoặc nấu canh chua đều ngon.
Năm 1986, công trình hồ thủy lợi Phú Ninh khánh thành sau hơn 8 năm xây dựng và trở thành hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung, lớn thứ hai Việt Nam, sau hồ Dầu Tiếng. Hồ có dung tích 344 triệu m3, với diện tích mặt nước 3.433 ha, có nhiều loại thủy sản sinh sống.
Hồ Phú Ninh cung cấp nước cho 12.000 ha sản xuất lúa, hoa màu của thành phố Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn và một phần huyện Duy Xuyên. Ngoài ra, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các địa bàn trên với một triệu m3 mỗi tháng.